Thành cổ Quảng Trị và địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 sẽ thành một chuỗi di tích thiêng liêng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, tỉnh Quảng Trị thành một chuỗi di tích thiêng liêng.
Dòng người hành hương tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. |
Thành cổ Quảng Trị từng là một trung tâm hành chính, chính trị, văn hoá của Quảng Trị dưới thời phong kiến, Pháp thuộc và chế độ Việt Nam Cộng hoà với nhiều công trình kiến trúc (dinh thự, thành luỹ, nhà lao…) của bộ máy cai trị, quản lý.
Các di tích là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, là giai đoạn chiến tranh vệ quốc đầy máu và hoa, là địa điểm ghi dấu những trận đấu ác liệt của cuộc chiến chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972, là nơi máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào đất mẹ trong cuộc vệ quốc vĩ đại của toàn dân tộc.
Vì khói bom lửa đạn, hầu hết các di tích đều không còn được nguyên vẹn. Ngoài hệ thống di tích bến sông Thạch Hãn với các công trình mới được xây dựng để tri ân công ơn của các anh hùng liệt sĩ; di tích Thành cổ Quảng Trị được tôn tạo thường xuyên; các di tích khác đều được bảo tồn nguyên trạng hoặc chỉ còn là địa điểm.
Giá trị tiêu biểu của di tích lịch sử, đó là cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị và tiếp đó là chống phản kích tái chiếm, bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã làm thay đổi căn bản lực lượng theo chiều hướng có lợi cho quân giải phóng; tạo ra thế và lực mới cho lực lượng quân giải phóng tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Giá trị kiến trúc, có thể khẳng định, Thành cổ Quảng Trị trước khi được biết đến với 81 ngày đêm lịch sử, đây còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Nguyễn – một tòa thành kiểu Vauban.
Về giá trị giáo dục, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự 81 ngày đêm năm 1972 minh chứng cho ý chí kiên cường, lòng quả cảm, trí thông minh sáng tạo và cả sự hy sinh vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sĩ các phân đội trực tiếp làm nhiệm vụ tác chiến phòng ngự. Đây cũng là biểu tượng của hòa bình, ngoài những nỗi đau chiến tranh, đó còn cho thấy giá trị của hòa bình, giá trị của ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam, giá trị của tình yêu nước.
Riêng về giá trị văn hóa, Thành cổ đã trở thành một Cõi Thiêng; các hoạt động tri ân, tưởng niệm là một hoạt động văn hóa tâm linh hết sức có ý nghĩa đặc biệt vào dịp kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7); ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4); ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5)…
Với tầm quan trong và chuỗi giá trị về Thành cổ Quảng Trị, nên mục tiêu theo đề nghị thẩm định của UBND tỉnh Quảng Trị của việc quy hoạch đã nêu rõ, về dài hạn là bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử quy hoạch và kiến trúc thời kỳ nhà Nguyễn, di tích cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, các yếu tố văn hóa bản địa tại khu vực lập quy hoạch; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” thành một chuỗi di tích thiêng liêng, tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ quân giải phóng; góp phần giáo dục tinh thần yêu nước của các thế hệ người Việt Nam đồng thời tạo ra một điểm đến du lịch cho tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân địa phương; thiết lập mối quan hệ các điểm du lịch trong vùng, tạo mối quan hệ tương hỗ nhằm phát triển du lịch một cách bền vững và đa dạng…thời gian thực đạt mục tiêu dài hạn đến năm 2050.
Về mục tiêu ngắn hạn, đó là định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang khu di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt; làm căn cứ xây dựng và thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư và phát triển du lịch phù hợp với đầu tư công phát triển kinh tế – xã hội; kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác… với thời gian thực đạt mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030.
Nguồn: Báo xây dựng