Thanh Chương (Nghệ An): Nâng tầm sản phẩm OCOP

Động lực từ tấm hộ chiếu “sản phẩm OCOP”

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Thanh Chương tham quan trang trại cam hữu cơ Ngọc Hường tại xã Thanh Đức

Ông Trần Phi Hùng, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương hào hứng chia sẻ về quá trình tham mưu, trực tiếp đi khảo sát tại từng hộ dân trong các xã để hiện thực hóa chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”: “Trong quá trình khảo sát tại địa bàn, phòng nông nghiệp sẽ đánh giá giá trị của sản phẩm, sau đó hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách làm bài bản. Trước hết phòng nông nghiệp sẽ tổ chức tập huấn các chủ thể tại xóm, xã và từng hộ dân sản phẩm OCOP là gì? Sau đó huyện tư vấn tất cả các khâu từ tem nhãn, logo, nội dung, hình thức bảo quản, đóng gói các sản phẩm, mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đạt chất lượng OCOP và quan trọng nhất vẫn là khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện Thanh Chương luôn luôn tôn vinh các sản phẩm đặc trưng của vùng đất nơi đây”.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Thanh Chương đã có tổng cộng 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Có nhiều sản phẩm được gắn với diện tích rộng lớn, là địa chỉ tham quan trực tiếp cho rất nhiều thực khách địa phương cũng như du khách đến học hỏi mô hình điểm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trên địa bàn huyện Thanh Chương từ lâu nay, hầu hết người dân nhà nào cũng nuôi gà với số lượng nhỏ, chủ yếu là giống gà cỏ, gà ri, ri lai… cùng với phương thức chăn nuôi bán chăn thả, cho ăn thức ăn tận dụng từ nông nghiệp tạo nên sản phẩm gà với chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên với cách thức nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của sản phẩm.

Qua quá trình phát triển cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp từ tỉnh đến địa phương, UBND huyện Thanh Chương, dự án JiCa và cả tâm huyết của người chăn nuôi gà địa phương đã khôi phục và xây dựng phát triển thương hiệu gà Thanh Chương. Huyện đã tổ chức các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm cho lãnh đạo huyện, các ngành hữu quan, các xã và nhiều hộ có điều kiện, đam mê nuôi gà. Sau đó thành lập các trang trại mẫu nuôi thử tại nhà máy Tinh bột sắn, ở xã Thanh Hòa, Thanh Xuân, Thanh Ngọc.

Sản phẩm OCOP của huyện Thanh Chương được trưng bày tại nhiều hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh

Từ những kết quả ban đầu, huyện đã thành lập hội những người nuôi gà, quy tụ hàng trăm hội viên trên địa bàn. Các trang trại của hội viên đã nuôi mỗi lứa trên 2 triệu con theo kỹ thuật mới, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ, cũng như thực hiện các thủ tục pháp lý để được công nhận nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”. Năm 2016 cục Sở hữu trí tuệ đã chứng nhận cấp nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”. Đây chính là cơ hội để nâng cao, uy tín, thương hiệu tăng khả năng cạnh tranh gà Thanh Chương trên thị trường; đồng thời, cũng tạo động lực phát triển mô hình kinh tế của người dân. Hiện tại sở hữu và quản lý thương hiệu là Hợp tác xã Gà Thanh chương có trụ sở tại xóm Xuân Thảo- Thanh Xuân-Thanh Chương với tổng số 52 thành viên, quy mô 10-15 nghìn con gà/lứa. Sản phẩm “gà đồi Thanh Chương” đã  được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019 và chứng nhận chăn nuôi gà VietGAP năm 2020.

Ngoài chăn nuôi, huyện Thanh Chương còn phát triển các sản phẩm nông nghiệp nổi bật như cam tại trang trại Ngọc Hường với diện tích lên tới 16ha, mỗi kg cam được hái tại vườn được bán với giá 80.000đ/1 kg, mỗi 1kg gồm 4-5 quả. Theo kết quả đánh giá của các cơ quan chức năng, sản phẩm cam hữu cơ của Nông trại Ngọc Hường đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận cam hữu cơ theo quy định tại Nghị định số 109, ngày 29/08/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Thương hiệu cam hữu cơ của trang trại Ngọc Hường được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Ngoài 2 nông, trang trại cam được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng đã có sản phẩm bưởi Thanh Mỹ, bưởi đường tại xã Thanh Thịnh và một số sản phẩm khác cũng đã áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân, vừa góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường, sức khoẻ người sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Với lợi thế đa dạng về thổ nhưỡng, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An không chỉ đã mang lại lợi ích kinh tế của người nông dân trên địa bàn, mà còn giúp tỉnh Nghệ An có thêm nhiều sản phẩm OCOP, tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thị trường cả nước.

Có thể nói chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” thành công đã mang lại sự phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương bên gian hàng trứng gà Thiên Phương, sản phẩm đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 567 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 37 sản phẩm đạt 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao và 02 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (chỉ xếp sau TP Hà Nội). Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến 2025 có 5 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao để tiến tới thuận lợi hơn trên con đường xuất khẩu. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích