Thành bại tại dòng tiền, lời khuyên nào khi VN-Index thủng 1.000 điểm?

VN-Index vẫn tê liệt với chỉ số RSI tuần dưới vùng 30 trong 5 tuần liên tiếp. Dù đồ thị giá đã rơi vào vùng quá bán nhưng thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi nhẹ, rủi ro trung hạn ở mức cao.

Kiên nhẫn chờ thị trường chung ổn định trở lại

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường tiếp tục trải qua tuần giao dịch giảm điểm tiêu cực đối với nhà đầu tư khi kết thúc tuần với phiên giảm điểm mạnh có khối lượng gia tăng đột biến vượt mức trung bình. Rất nhiều mã, nhóm mã luân phiên chịu áp lực bán tháo mạnh trong tuần qua.

Kết thúc tuần, VN-Index giảm 2,94% về mức 997,15 điểm, dưới vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.000 điểm và vùng giá thấp nhất năm 2021. Áp lực bán tháo, giải chấp vẫn gia tăng trong quá trình thị trường giảm điểm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn tiêu cực dưới những động thái về lãi suất, tỷ giá và thị trường trái phiếu.

Mặc dù tính từ đỉnh giá cao nhất năm 2022 VN-Index đã giảm rất mạnh từ vùng 1.530-1.536 điểm, nhưng vẫn trong tình trạng tê liệt với chỉ số RSI tuần dưới vùng 30 trong 5 tuần liên tiếp (ở thời điểm giảm mạnh do đại dịch Covid tháng 3/2020, chỉ số RSI nằm dưới vùng 30 trong 7 tuần liên tiếp mới hồi phục).

Thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch Covid cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu… nên rất khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.

Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thị trường chung ổn định trở lại, có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư, ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao, các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Nên chủ động chốt lời ngắn hạn nhiều hơn

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Áp lực giảm điểm của phiên cuối tuần qua đã xóa hết nỗ lực của nhịp phục hồi tuần trước đó. Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo ADX và DI- vẫn đang ở mức cao cho thấy nhịp điều chỉnh đang diễn ra nhiều khả năng sẽ chưa thể nhanh chóng kết thúc.

Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chủ động chốt lời ngắn hạn nhiều hơn và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để bảo toàn vốn, kiên nhẫn quan sát chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường và hạn chế việc bắt đáy sớm.

Nhịp hồi có thể diễn ra trong các phiên tới

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Nhịp điều chỉnh quá nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công nhưng đã thu hẹp đà giảm đáng kể. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư.

Điểm tích cực lúc này là tình hình thế giới vẫn tích cực, bên cạnh đó dòng tiền tham gia bắt đáy đã được cải thiện bất chấp khối ngoại gây sức ép lên thị trường. Do vậy, nhịp hồi có thể diễn ra trong các phiên tới, nhà đầu tư chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là các mã có tín hiệu phục hồi rõ nét trong phiên cuối tuần.

Có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)

YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể quay trở lại mức 1.000 điểm. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index được mức kháng cự 1.048 điểm thì đồ thị giá của chỉ số VN-Index có thể hình thành mô hình vai đầu vai.

Điểm tích cực là thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm và vẫn giao dịch trong vùng bi quan cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn yếu trong bối cảnh dòng tiền vẫn thấp và tình trạng bán tháo tiếp tục diễn ra trên nhóm cổ phiếu bất động sản và thép.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp dưới 5% và cắt lỗ khi có điểm bán ngắn hạn do xu hướng thị trường vẫn tiêu cực.

Theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Đồng thời, rủi ro trung hạn vẫn ở mức cao mặc dù đồ thị giá đã rơi vào vùng quá bán, nhưng YSVN đánh giá thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi nhẹ.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm sâu dưới vùng bi quan quá mức. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn vẫn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20% danh mục.

Cần chậm lại và quan sát động thái của dòng tiền hỗ trợ

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Phiên 4/11, bất chấp đà giảm sâu từ đầu phiên, thị trường chung đã hồi phục mạnh nhờ sự trở lại của nhóm ngân hàng. Mô hình nến đảo chiều Hammer với thanh khoản lớn có thể cho thấy nỗ lực của dòng tiền lớn để giữ thị trường không rơi vào trạng thái tiêu cực trong phiên giao dịch cuối tuần.

Dù vậy, diễn biến giữa các nhóm ngành còn khá phân cực. Do đó, tín hiệu hỗ trợ này cần xác nhận trong phiên giao dịch kế tiếp. Dự kiến, VN-Index sẽ quay trở lại kiểm tra cung cầu tại ngưỡng hỗ trợ quanh 980 điểm. Nếu dòng tiền tiếp tục có động thái hỗ trợ thì thị trường sẽ có cơ hội phục hồi trở lại. Vì thế, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá lại trạng thái của thị trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích