Thăng Long-Hà Nội hiện lên qua những cuốn tiểu thuyết nhân kỷ niệm 1011 năm
Thăng Long-Hà Nội hiện lên qua những cuốn tiểu thuyết nhân kỷ niệm 1011 năm
Những ấn phẩm văn học được phát hành nhân kỷ niệm 1011 năm Thăng Long–Hà Nội (1010-2021) nhằm cung cấp cho bạn đọc trẻ muốn tìm hiểu về vẻ đẹp của Thăng Long – Hà Nội cổ xưa trong tiềm thức của người Thủ đô…
Kỷ niệm 1011 năm Thăng Long – Hà Nội, NXB Kim Đồng giới thiệu bộ đôi tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở (Hà Ân) và bộ ba tiểu thuyết lịch sử Quê người, Mười năm, Quê nhà (Tô Hoài) nhằm cung cấp cho bạn đọc trẻ muốn tìm hiểu về vẻ đẹp của Thăng Long – Hà Nội cổ xưa trong tiềm thức của người Thủ đô và về công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân.
Tác giả Tô Hoài với bộ ba Quê người, Mười năm, Quê nhà:
Bộ ba tiểu thuyết lịch sử được Tô Hoài viết trong gần 40 năm là tác phẩm tiêu biểu của ông – một người Hà Nội, một nhà văn Hà Nội. Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài (1920 – 2020), gia đình ông đã tin tưởng ủy quyền quản lý toàn bộ các sáng tác của ông cho NXB Kim Đồng.
Với óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ, trong bộ tiểu thuyết của mình, Tô Hoài tuy đề cập đến nhiều chặng đường đấu tranh nhưng tác phẩm nào cũng gắn chặt với sinh hoạt đời thường của người dân vùng quê ấy. Bởi thế, bộ ba tiểu thuyết này có thể xếp vào dòng tiểu thuyết lịch sử, lại có thể coi là tiểu thuyết phong tục.
+ Với tác phẩm “Quê nhà” viết về một giai đoạn đầy biến động trên đất nước ta. Đó là khi thành Hà Nội bị chiếm đóng, quân viễn chinh Pháp cố mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng xung quanh nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân chúng. Tô Hoài đã miêu tả sống động về những anh hùng nông dân đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
+ Với tác phẩm “Quê người” là cảnh quê hương bị chiếm đóng. Những con người hiền lành chất phác của vùng quê ấy phải sống trong cảnh khốn đốn khi cái nghèo đói bủa vây. Người phải tha hương nơi đất khách, người ở lại chơ vơ, lạc lối ngay trên chính mảnh đất quê nhà.
+ Với tác phẩm “Mười năm” đưa người đọc hòa mình vào không khí sục sôi của vùng quê ấy những ngày vùng lên xóa tan xiềng xích. Đó là Mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng Tháng Tám.
Tác giả Hà Ân với hai tác phẩm Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở:
Là một người con của Hà Nội, tác giả Hà Ân đã dành tâm huyết để viết về những vị anh hùng của đất Thăng Long văn hiến.
+ Với tác phẩm “Người Thăng Long” được nhà văn Hà Ân viết năm 1980.
Tác phẩm là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, ông là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí tuệ trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
Người Thăng Long tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu, đêm tiệc hân hoan phóng túng …
+ Với tác phẩm “Khúc khải hoàn dang dở” có nội dung viết về Đỗ Vĩ – nhà tình báo chiến lược tài ba của nhà Trần. Ông đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Bộ đôi tiểu thuyết “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở” của nhà văn Hà Ân nằm trong những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long – Hà Nội./.
An Hạ (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị