Tháng Bảy ở Côn Đảo
(Xây dựng) – Có câu nói nhiều người từng nghe rằng “một ngày ở trên trời bằng một năm dưới hạ giới”, không biết có phải vì thế mà với tôi, mỗi lần đặt chân lên Côn Đảo – nơi đã từng được ví như “địa ngục trần gian”, thời gian như ngưng lại. Không có nơi nào trên dải đất này cho tôi cảm giác vừa quen thuộc như trở về, vừa dè dặt trải nghiệm, khám phá như mới lạ, mỗi lần ra Côn Đảo.
Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) – nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày. |
Hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân lên Côn Đảo, tháng Bảy năm nay tôi đã có duyên trở lại. Côn Đảo ngày nay đúng như cái tên gọi là “bàn thờ của Tổ quốc”. Nghĩa trang Hàng Dương rất rộng và ngày càng đẹp hơn. Có những ngôi mộ to xen kẽ giữa hàng ngàn những ngôi mộ nhỏ nhỏ, không có ốp đá xa hoa mà chỉ đắp đá xanh và dựng một cột bê tông sơn cờ Tổ quốc theo mẫu ở đài tưởng niệm.
Đó là mộ của các nhà chí sĩ yêu nước, của nhiều lãnh đạo, anh hùng liệt sĩ đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tên tuổi lưu danh sử sách: Nguyễn An Ninh; Lê Hồng Phong; Lưu Chí Hiếu; Vũ Văn Hiếu; Võ Thị Sáu…
Những bậc quân vương tuổi đời ngắn ngủi, chả một ngày thụ hưởng nhung lụa, yến tiệc mà lại nếm quá nhiều khổ nạn, tù đày, khổ sai, đòn roi tra tấn, giết chóc, bệnh tật… Họ vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây, cùng với hàng ngàn, hàng vạn những vong linh vô danh khác. Thân phận khác nhau, chí hướng khác nhau… nhưng chung một danh xưng: Tử tù Côn Đảo.Vì thế nên Nghĩa trang Hàng Dương không phải là nghĩa trang liệt sĩ.
Ở nơi đây, dù là tù chính trị, là quân vương anh hùng hay là tù thường phạm của chế độ thực dân, còn giữ được tên mình đã là may mắn. Những cái tên mà người đã khuất phải sống tốt đẹp lắm mới có những người bạn tù trân quý, đánh đổi mồ hôi, máu và cả tính mạng để dựng và giữ cho họ một tấm bia mộ. Vậy nên, có những ngôi mộ có tới 2 tấm bia, vì Ban quản lý vẫn giữ lại được những tấm bia khắc nguệch ngoạc trên đá. Có những người nằm xuống vô danh nhưng còn nhô lên một nấm mồ để được hương khói cũng là may mắn.
Cả những ngôi mộ tập thể khắc lên hàng chục cái tên tố cáo những ngày đàn áp đẫm máu, những người cộng sản bị giết hại hàng loạt, xác vùi xác, chung một mồ chôn… Còn lại hàng ngàn vạn vong linh khác chôn vùi vĩnh viễn trong lòng đất, rải rác khắp đảo hoặc mục xương dưới lòng biển xanh.
Hãy đến đây bằng lòng thành kính và tôn trọng là đủ, đừng đem mưu cầu danh lợi bon chen ra làm gì. Và đừng làm vấy bẩn hòn đảo tâm linh này. Người ta thêu dệt lên một Côn Đảo đẫm màu huyền thoại, đến nỗi có những bộ phận không ít người năm nào cũng ra Côn Đảo, đầu năm đi lễ cuối năm đi tạ. Quanh năm, những chuyến bay hạ cánh sân bay Cỏ Ống không ế khách. Bất chấp những quy định nghiêm ngặt của Ban quản trang về nghi thức dâng lễ thì hàng đêm, lượng người lặng lẽ đổ về viếng mộ cô Sáu đông như hội. Côn Đảo xa đất liền, thiếu nhiều thứ nhưng riêng đồ dâng lễ cô Sáu và các vong linh Anh hùng liệt sĩ thì ngày càng chuyên nghiệp bài bản. Cả đảo có gần 30 hàng kinh doanh vàng mã đồ lễ, nhiều hơn vài lần các shop quần áo cho người sống trên đảo. Trong đêm khuya, bên nấm mồ cô Sáu, những dòng người lầm rầm chắp tay khẩn cầu đủ thứ: Người xin lộc làm ăn, đầu tư, buôn bán bất động sản; người xin công danh sự nghiệp chức tước; người xin đỗ đạt học hành; Cả những người phụ nữ khóc rung rức với nỗi buồn sâu thẳm trong lòng cũng tìm về bên cô. Những người quản trang lịch thiệp cần mẫn hỗ trợ khách hành hương dâng lễ trong rừng rực hương nến tỏa khắp khu nghĩa trang… Tuy nhiên, điều này sẽ sớm được thay đổi bởi theo lộ trình trong năm 2023, nơi đây sẽ tiến tới cấm đốt vàng mã và các hoạt động biến tướng mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng sự tôn nghiêm của nơi này.
Ngoài yếu tố thiên nhiên nguyên sơ trong lành, đất và người dung dị, mộc mạc thì Côn Đảo hội tụ nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hóa tinh tế mà không phô trương như: Điêu khắc đá ở Nghĩa trang; hệ thống tượng điêu khắc trang trí đô thị; tượng sáp bố trí tái hiện chứng tích lịch sử tại các trại giam…
Theo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà tù Côn Đảo thành dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo”, từ 2021 – 2025, sẽ đầu tư hơn 250 tỷ cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích. Về quy mô đầu tư, bổ sung các hạng mục chính: Bảo tồn 8 hạng mục, gồm khu vực cầu Ma Thiên Lãnh, Sở Cò, khu điều tra xét hỏi, trại 8, 9, 2, Chuồng cọp Pháp, Sở Củi – Chuồng Bò; bổ sung biển giới thiệu và chỉ dẫn khoanh vùng bảo vệ di tích tại các khu vực Cỏ ống, Bến Đầm, Hòn Cau, Bảy Cạnh và các trại tù; tái hiện hình ảnh người tù bằng tượng sáp kết hợp âm thanh, ánh sáng tại nhà Chúa đảo, trại giam Phú Hải, Chuồng cọp Pháp, trại Phú Bình… Thời gian hoàn thành các hạng mục bổ sung trong giai đoạn đến năm 2025. Đây sẽ là những yếu tố tích cực để Côn Đảo giữ được bản sắc, không gian linh thiêng và sự tôn kính với mảnh đất đặc biệt này.
Nguồn: Báo xây dựng