Tham vấn về Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030
Báo cáo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Khách quốc tế dạo chơi trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Ngày 9/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.”
Đây là hoạt động thuộc chuỗi sự kiện tham vấn ý kiến nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp… trong ngành du lịch về “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.”
Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam là một trong những quy hoạch ngành mang tầm quốc gia. Để đưa ra Báo cáo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045,” đơn vị tư vấn đã bám sát mục tiêu của quy hoạch nhưng vẫn rất cần sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhà quản lý địa phương, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, báo cáo sẽ hoàn thiện cũng như đảm bảo tính khả thi cao và thúc đẩy ngành du lịch phát triển, nhất là thể hiện được tầm nhìn quy hoạch đến năm 2045.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết báo cáo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” được triển khai trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đơn vị thực hiện đã nhận được sự phối hợp của nhiều địa phương trên cả nước.
Báo cáo bao gồm nội dung đánh giá thực trạng hiện tại của ngành du lịch, quan điểm mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… nhằm đưa ra những giải pháp phát triển ngành du lịch bền vững.
Cụ thể, báo cáo đưa ra mục tiêu năm 2025 du lịch phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19 và Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch cao trên toàn cầu.
Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo cũng đưa ra 3 kịch bản gồm kịch bản tăng trưởng thấp, kịch bản tăng trưởng thuận lợi và kịch bản tăng trưởng cao.
Ngoài ra, báo cáo tập trung vào 14 giải pháp trọng tâm gồm cơ chế chính sách; tổ chức quản lý; tổ chức quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm, thị trường dịch vụ; xúc tiến quảng bá du lịch…
Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng muốn hiện thực hóa chính sách đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam có nhiều vấn đề phải giải quyết để làm sao cho du khách hài lòng và động viên toàn dân tham gia làm du lịch.
Để phát triển du lịch, Việt Nam cần có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ khác liên kết. Đặc biệt, một trong những vấn đề quan trọng là cơ chế sử dụng đất đối với khu du lịch-nghỉ dưỡng, khu vui chơi-giải trí, người dân sử dụng đất có tham gia cung cấp dịch vụ du lịch…
Liên quan đến giải pháp thu hút phát triển thị trường du lịch, Tiến sỹ Lê Minh Thành, Khoa Du lịch – Trường Đại học Văn Lang cho rằng cần kịp thời đưa ra những nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài trong thu hút phát triển thị trường khách du lịch, nhất là tạo điểm đến du lịch bền vững đối với du khách.
Do đó, đề xuất quản trị và chính sách cần tập trung tạo ra những liên kết hiệu quả hơn giữa mô hình kinh doanh của doanh nghiệp du lịch hoặc mô hình hoạt động của tổ chức du lịch với chuỗi giá trị trong nước, hệ sinh thái kết nối toàn cầu.
Tại hội thảo, đại diện sở, ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch các địa phương khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau… đánh giá cao “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.”
Việt Nam là đất nước quy hoạch phát triển năng động nên cần chú trọng phát triển thêm nhiều loại hình du lịch liên kết với ngành nghề, lĩnh vực khác. Điển hình Việt Nam có những tỉnh, thành phố có đủ điều kiện gắn du lịch với kinh tế về đêm, vui chơi, giải trí… nên cần định hình rõ thành một loại hình du lịch để có nguồn thu cho quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch nên cập nhật thông tin quy hoạch giao thông và các loại hình giao thông để có chiến lược liên kết vùng trong du lịch với những tour tuyến phù hợp…
“Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” cũng phải đảm bảo yêu cầu tất yếu là gắn liền với quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng, nhất là văn hóa bản địa, di tích lịch sử, con người Việt Nam./.
Nguồn: Báo xây dựng