Thẩm tra Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thẩm tra Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để phục vụ việc báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, sáng ngày 26/4, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra nội dung Quy hoạch không gian biển quốc gia theo Tờ trình số 175/TTr-CP ngày 23/4/2024 của Chính phủ. Chủ trì phiên họp có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi.

tm-img-alt
Quang cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp, có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Nguyễn Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; các đại biểu Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; Ban Tuyên giáo TW; đại diện các Bộ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học…

Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của đại dương”. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Đồng thời, đề ra yêu cầu sớm ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy, để có thể khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Biển Việt Nam, ứng phó hiệu quả những thách thức trước mắt và lâu dài, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cấp thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia là một trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá Quy hoạch không gian biển quốc gia là loại quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; mang tính tổng hợp, khó về chuyên môn. Quy hoạch được lập theo cách tiếp cận không gian, nhằm phân bổ, sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động, thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc lập quy hoạch phức tạp, mang tính tổng hợp và đa ngành.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về Hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, các đồng chí thành viên Ủy ban, đại diện Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban, Văn phòng Quốc hội, các đại biểu của các Bộ, ngành phát biểu ý kiến. Trong quá trình thảo luận, cơ quan soạn thảo cũng trao đổi, giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm, thảo luận.

Tại phiên thẩm tra, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nhóm vấn đề chính như: Sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; Tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch; Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong khai thác, sử dụng không gian biển; Phạm vi ranh giới quy hoạch… Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan soạn thảo đã giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan; Đồng thời cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để hoàn thiện quy hoạch.

Các đại biểu tham gia phát biểu, đóng góp xây dựng ý kiến tại phiên họp sáng 26/4

Các đại biểu cũng tham gia xây dựng ý kiến về các giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch: giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ, về vốn đầu tư và nguồn nhân lực…; về tổ chức thực hiện quy hoạch: trách nhiệm cụ thể các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện Quy hoạch, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra….

Phiên họp toàn thể Ủy ban KH,CN&MT thống nhất cho rằng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đủ điều kiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Kết luận phiên họp, trên cơ sở kết quả của Phiên họp này, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ mà trực tiếp là cơ quan chủ trì lập quy hoạch – Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến trong Phiên họp, cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý làm cơ sở để báo cáo, giải trình bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích