Thăm nhà cổ hơn 200 tuổi ở phố biển
Nằm cạnh con sông Cái hữu tình, ngôi nhà cổ Phú Vinh (hay còn gọi nhà cổ ông Hải, ở thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang giữ lại nguyên vẹn vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của không gian làng quê miền Trung xưa cũ. Ngôi nhà độc đáo có tuổi đời trên 200 năm luôn thu hút du khách thập phương ghé thăm…
Kiến trúc độc đáo
Thôn Phú Vinh trước đây có nhiều ngôi nhà cổ, nhưng hiện chỉ có nhà cổ ông Hải (tức ông Nguyễn Xuân Hải, 85 tuổi) với tuổi đời hơn 200 năm còn lưu giữ nguyên vẹn nét độc đáo của làng quê miền Trung xưa. Nhà cổ ông Hải được kế thừa qua 5 đời, ông là đời thứ 4 và hiện đã bàn giao cho con trai tiếp quản ngôi nhà. Nhà cổ ông Hải nằm trong khuôn viên một khu vườn rộng hơn 4.000m2, gồm 2 căn với 2 kiểu kiến trúc khác nhau khiến du khách tò mò, thích thú. Nhà chính theo kiến trúc nhà rường với bố cục nhà 3 gian, 2 chái dựng trên 36 cột gỗ và mái lợp ngói âm dương.
Nhà cổ Phú Vinh là một trong những vốn văn hóa vật thể còn gìn giữ được khá nguyên vẹn của vùng cư dân xưa nơi hạ nguồn sông Cái, Nha Trang. Qua thời gian dài tồn tại, nhiều chi tiết trong căn nhà đã bị mối mọt, xuống cấp, nhưng gia đình chưa có điều kiện sửa chữa, trùng tu. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể cần có chính sách hỗ trợ tu bổ, nâng cấp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ngôi nhà hàng trăm năm tuổi này. |
Điểm nổi bật trong kiến trúc ngôi nhà chính là kết cấu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ căm xe, gỗ sao quý hiếm và được chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo. Đây là nơi sinh sống qua 5 đời của gia đình ông Hải nên gian thờ cúng tổ tiên lúc nào cũng phảng phất hương thơm dịu nhẹ, ấm cúng. Nội thất trong nhà như: bàn thờ, tủ đựng đồ, chạn bát… cũng được chế tạo từ các loại gỗ quý không những mang đến cảm giác gần gũi đời thường của làng quê mà còn mang nét trang nhã, sang trọng của bậc danh giá phong kiến thời xưa. Trước nhà có khoảng sân nhỏ được trồng nhiều loại cây trái quen thuộc như: bưởi, quýt, măng cụt, chuối… tạo nên một khung cảnh bình yên giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt.
Ông Nguyễn Xuân Hải giới thiệu những món đồ cổ có tuổi đời hơn 200 năm được trưng bày trong nhà Ảnh: THỤC HIỀN |
Ông Hải cho biết, cách đây chừng 100 năm, chủ nhân đời thứ 3 của nhà cổ đã xây thêm một căn nhà kiểu hiên vòm bên trái nhà chính. Căn nhà lợp ngói âm dương, tường vôi sơn màu vàng đã nhuốm đôi chút rêu phong cổ kính mà màu thời gian để lại. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây mang lại nhiều cảm giác mới mẻ cho người đến tham quan. Trong nhà còn có một số ấm, chén và bình cổ có tuổi đời hơn 200 năm được các chủ nhân của căn nhà bao đời gìn giữ.
Truyền đời cho thế hệ sau
Ông Nguyễn Xuân Hải nghe kể lại, tổ tiên ông ngày trước là người Đàng Ngoài. Mùa Xuân năm Quý Tỵ 1653, khi chúa Nguyễn Phúc Tần mở mang bờ cõi, họ cùng một số người dân phương Bắc đã “Nam tiến” đến vùng đất Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) khai khẩn lập làng. Đến thời vua Gia Long, người dân nhận thấy vùng đất nằm bên bờ sông Cái (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) có đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt quanh năm nên đã về đây dựng nhà, lập làng Phú Vinh. Ông Nguyễn Đằng Giao (cụ cố của ông Hải) cũng theo đó mà đến đây mua nhà và lập nghiệp. Qua thời gian hơn 200 năm, 5 thế hệ gia đình ông Hải đã ở trong ngôi nhà này.
Trải qua mưa nắng của thời gian, mái ngói âm dương cũng đã rất cũ nên nhà hay bị dột mỗi khi trời mưa. Chủ nhân ngôi nhà đã nhiều lần dùng các loại keo, hoá chất để xử lý chống thấm nhưng đều không hiệu quả. Vì vậy, ông Hải đã cho quét thêm một lớp xi măng bên ngoài mái ngói để mọi thứ trong nhà được bảo tồn tốt hơn. Đó là điểm duy nhất được trùng tu, ngoài ra kiến trúc ngôi nhà đều được bảo tồn nguyên vẹn theo truyền thống làng quê xưa.
Nhà chính được được xây dựng theo kiểu nhà Việt cổ truyền thống với 3 gian, 2 chái với vật liệu gỗ làm chủ đạo |
“Hơn 10 năm năm trước, làng Phú Vinh có khoảng vài chục ngôi nhà cổ như nhà của tôi. Qua thời gian dài, nhiều ngôi nhà dần xuống cấp và người ta đã phá dỡ để xây mới theo kiểu hiện đại khang trang hơn phục vụ đời sống tiện nghi của gia đình. Riêng tôi, tôi muốn giữ gìn ngôi nhà của ông cha để truyền đời cho thế hệ sau tận thấy văn hóa truyền thống của ông bà tổ tiên xưa”, ông Hải tâm sự.
Thu hút khách thập phương
Những năm gần đây, có nhiều du khách đến Nha Trang đã ghé thăm ngôi nhà cổ này. Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, mỗi năm có khoảng hơn nghìn du khách đến đây trải nghiệm cuộc sống thanh bình của làng quê xưa cũ. Khi du khách đến tham quan, ông Hải chuẩn bị trà bánh để họ ngồi nhâm nhi trên chiếc phản lớn trong nhà hoặc tại những bàn ghế gỗ ngoài vườn. Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng không gian kiến trúc độc đáo, mà họ còn được đắm mình trong không gian thanh bình, ríu rít tiếng chim và thưởng thức những loại trái cây “mùa nào thức ấy” trong vườn nhà cổ này.
Theo ông Hải, hầu hết du khách đến với nhà cổ đều là những người yêu thích những giá trị nhân văn, hướng về nguồn cội, có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa xưa. Họ thật sự thích thú khi được giới thiệu về lịch sử và kiến trúc của ngôi nhà. Dù việc phát triển du lịch tham quan nhà cổ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng gia đình ông vẫn duy trì hoạt động này. “Tôi rất vui và tự hào vì qua đó có thể giới thiệu được văn hóa truyền thống của gia đình cũng như của địa phương đến với du khách gần xa. Hiện tôi đã giao lại nhà cổ cho vợ chồng con trai mình kế thừa và luôn mong muốn thế hệ sau luôn gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà để giá trị truyền thống này còn mãi”, ông Hải nói.
Nguồn: Báo xây dựng