Thẩm mỹ Haberi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chỉ ra Thẩm mỹ Haberi đã có hành vi vi phạm là cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Với vi phạm này, ngoài số tiền xử phạt trên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh.

Thẩm mỹ Haberi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động.
Theo tìm hiểu, Viện Thẩm Mỹ Haberi – Minh Trần được thành lập năm 2016 với tên đầu tiên là Thẩm Mỹ Minh Trần, tên gọi bắt nguồn CEO sáng lập công ty là ông Trần Văn Minh – chuyên gia trong lĩnh vực phun xăm thẩm mỹ chân mày phong thủy với trên 13 năm kinh nghiệm cùng những cộng sự đồng điều hành trên 10 năm kinh nghiệm cùng lĩnh vực.
Hiện nay, 2 chi nhánh của hệ thống thẩm mỹ Haberi được xây dựng chuẩn theo mô hình viện thẩm mỹ kết hợp spa chuẩn 5 sao gồm: Chi nhánh 1: 84C Trần Quốc Toản, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 và Chi nhánh 2: 16 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh.
Đối chiếu theo quy định pháp luật, tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;
Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;
Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;
Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%). 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cụ thể, trong 598 cơ sở thẩm mỹ do Bộ Y tế và Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động thì có 35 đơn vị thẩm mỹ do các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách (20 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ); 257 cơ sở là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; 306 cơ sở chuyên khoa da liễu có dịch vụ thẩm mỹ.
Có 6.489 cơ sở do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ sở này hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng…
Theo quy định, đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì loại hình phun, xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế trong thời hạn 10 ngày trước khi hoạt động. Tính đến ngày 24/10 đã có 103 cơ sở tự công bố đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ.
An Nguyên