Thảm kịch ngày trở về khiến tôi đau điếng 

Thảm kịch ngày trở về khiến tôi đau điếng 

Máy bay tiếp đất rồi dừng hẳn, tôi hối hả ra cửa và dõi mắt về phía xa. Nhưng linh tính mách bảo, hình như trong số những người ra đón sẽ thiếu một người tôi mong đợi. Nhưng là ai, mẹ hay Quang?

Học đến năm cuối trường đại học ngoại ngữ, tôi được đi học ở nước ngoài một năm theo tiêu chuẩn nhà nước đài thọ. Lúc đầu, bạn trai tôi là Quang rất buồn, nhưng anh đã động viên tôi là một năm rồi cũng qua nhanh. Tôi yên tâm lên đường. Phút tiễn ở sân bay, tôi thực sự xúc động khi anh nói: “Anh sẽ coi mẹ em như mẹ đẻ, sẽ thay em chăm sóc chu đáo, vì từ lâu anh đã xác định là rể rồi”.

anh 11

Quang đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi quyết tâm du học (Ảnh minh họa)

Cha tôi mất khi tôi lên 10 tuổi, từ đó, 3 mẹ con tôi sống với nhau, mẹ tôi không đi bước nữa. Cách đây 7 năm, em trai tôi chết đuối. Nỗi đau mất chồng rồi mất con khiến mẹ tôi già yếu đi rất nhiều.

Buổi tiễn tôi ở sân bay Nội Bài, tuy không được khỏe, chân lại đau, nhưng mẹ vẫn có mặt. Quang chăm sóc mẹ rất chu đáo, thường xuyên quan tâm đến mẹ hơn là luẩn quẩn ở bên tôi như các lứa đôi khác. Khi máy bay cất cánh, tôi lưu giữ mãi hình ảnh mẹ và anh trong suốt chặng đường bay trên không.

Ra nước ngoài, chúng tôi thường xuyên liên hệ với nhau, chủ yếu là qua mạng internet. Tôi càng hạnh phúc khi đọc thư mẹ viết gửi sang kể về sự chăm lo tận tuỵ của Quang dành cho bà. Mẹ tôi nói Quang đã khiến mẹ vơi được phần nào nỗi đau khổ bị mất con trai mà bao năm nay vẫn dày vò bà. Mẹ còn kể rằng anh rất chịu khó đến nhà giúp mẹ tôi nhiều việc. Có ngày, anh ở liền bên mẹ cả ngày nếu không bận việc gì. Không ít lần, thấy mẹ không khỏe, anh sẵn sàng ngủ lại vì sợ đêm hôm có sự cố không may xảy đến với mẹ.

Tình thương mẹ, tình yêu Quang đã khiến tôi lao vào học tập đạt kết quả rất mỹ mãn và trường này có ý muốn tôi ở lại để bồi dưỡng thêm, trở thành giảng viên với mức lương rất hậu. Họ còn nói nếu có chồng, có thể đưa cả sang, sẽ được giúp đỡ để ổn định cuộc sống. Tôi nói chuyện này với mẹ và Quang. Mẹ tôi khuyên nên nhận lời sẽ có cuộc sống sung sướng. Nhưng Quang đã không đồng ý. Anh nói với tôi: “Mẹ khuyên em vậy là muốn em sung sướng đó thôi, chứ không người mẹ nào lại muốn xa con. Về nước có thể còn khó khăn bước đầu, nhưng mẹ con sum họp, rau cháo có nhau và anh không muốn rời xa quê hương”. Tôi thực sự cảm phục ý nghĩ của anh. Tất nhiên là tôi dễ dàng từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó. Tôi yên tâm chuẩn bị về nước, mặc dù chưa biết rõ mình sẽ làm gì, ở cơ quan nào.

Ngày về nước, tôi không sao tả được tâm trạng của mình. Đêm trước hôm bay, tôi thức trắng, không chợp mắt được phút nào. Tôi sắp xếp, ngắm nghía những món quà mua tặng mẹ, tặng Quang và rất nhiều người thân, bè bạn. Tôi sung sướng nghĩ đến giây phút mọi người ôm chầm lấy mình sau thời gian đằng đẵng xa cách.

Máy bay đã tiếp đất rồi dừng hẳn. Tôi hối hả ra cửa máy bay, bước xuống thang, dõi mắt về phía xa. Nhưng không hiểu sao bỗng dưng linh tính báo cho tôi biết: Hình như trong số những người ra đón mình sẽ không đầy đủ, sẽ thiếu một người tôi mong đợi. Nhưng là ai? Mẹ hay Quang? Tôi cần có cả hai người, không thể thiếu một.

Quả đúng như vậy. Ra đón tôi chỉ có mẹ và mấy đứa bạn thân cùng vợ chồng người cậu ruột. Tôi ôm chầm lấy mẹ khóc òa, chỉ sau vài phút, mẹ tôi đã nói ngay: “Quang nó phải đi công tác đột xuất theo lệnh cơ quan con ạ. Nó mới có lệnh trưa nay, đầu giờ chiều đã phải đi ngay”.

Nhìn sắc mặt mẹ, tôi không có gì nghi ngờ bởi mẹ còn xuýt xoa: “Tội nghiệp thằng bé, mẹ định chuẩn bị cho nó mấy thứ cũng không kịp. Trong cặp chỉ có mấy bộ quần áo”. Nhưng khi về đến nhà, tôi lại linh cảm thấy một điều gì đó không bình thường. Hình như mẹ và mọi người đã giấu tôi về Quang. Tôi không có cảm giác được yên tâm mặc dù mẹ và đám bạn luôn ở bên tôi. Lúc nào bà cũng nhắc đến Quang, ngợi khen và thương yêu anh lắm.

Và đúng như điều tôi nghi ngờ, rồi sự thật cũng được phát lộ: Quang phải vào cấp cứu trong bệnh viện đúng đêm hôm trước khi tôi bay về nước. Ngay khi biết tin, tôi lập tức lao vào bệnh viện. Anh nằm bất động trên chiếc giường phủ ga trắng toát tại phòng cấp cứu. Các bác sĩ cho tôi biết  anh bị chấn thương sọ não rất nặng do tai nạn giao thông.

tham kich

Ảnh minh họa

Những ngày sau đó, tôi có mặt gần như 24/24 giờ trong bệnh viện để chăm sóc Quang. Nhưng anh vẫn chưa tỉnh, sau hơn 2 tháng nằm, bệnh viện cho anh về điều trị ngoại trú.

Trước khi ra viện, người nữ bác sĩ trẻ nói với tôi: “Lúc đầu chị nghĩ em là vợ bệnh nhân, sau mới biết chưa cưới. Thấy em nhân hậu, hết lòng chăm sóc người yêu, cùng là nữ với nhau, chị thấy cần thiết nói với em về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, nhưng mong em bình tĩnh, có nghị lực vượt qua để tìm ra giải pháp tốt nhất. Bạn em đã qua cơn hiểm nghèo nhưng suốt đời không thể lao động vì để lại di chứng, mất trí khôn. Và có điều này, anh ấy không thể có con”.

Tôi nghe mà choáng váng và thương Quang hơn bao giờ hết. Tôi có thể làm việc gấp đôi, gấp ba sức lực của mình để nuôi anh. Nhưng nếu không có con thì quả là một điều khủng khiếp. Tôi không thể hình dung cuộc sống sẽ ra sao. Tôi nên thế nào, có nên cho anh và mọi người biết chuyện động trời này không? Tôi đang cực kỳ bối rối, cảm thấy mất phương hướng. Nếu ở địa vị tôi, các anh, chị sẽ xử sự thế nào?

Bạn cũng có thể thích