Thảm họa môi trường rình rập Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất

Thảm họa môi trường rình rập Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất

Sau những trận động đất gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục vật lộn với đống đổ nát có thể gây ô nhiễm, nhiễm độc và làm thay đổi cuộc sống của người dân.

Thảm họa môi trường rình rập Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất ảnh 1

Trận động đất đã phá hủy nhiều nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một thảm kịch đối với hàng triệu gia đình. Một trong những vùng bị tàn phá nặng nề nhất là xung quanh thành phố cổ Antioch. Thảm họa này đã cướp đi mạng sống hàng ngàn người và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác còn sống sót.

Hiện tại, khi những người được cho là sống sót cuối cùng đã được tìm thấy, khu vực này phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, bao gồm một lượng lớn mảnh vỡ từ các tòa nhà, đường xá bị sập và những thứ tương tự. Khối vật liệu này được ước tính nặng tới 210 triệu tấn, đủ để bao phủ cả thành phố Washington ở độ sâu hơn 1m hoặc xây dựng một gò đất cao bằng núi Erciyes, một ngọn núi lửa lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghiên cứu của Georgia Tech về quản lý rác thải nêu bật việc lập kế hoạch trong việc giảm tác động tiêu cực lâu dài đối với sức khỏe của con người và hệ sinh thái. Các kế hoạch cần xác định và chuẩn bị các địa điểm xử lý, thiết lập năng lực tái chế và cung cấp hướng dẫn cho người dân, nhà thầu và chính quyền địa phương về cách quản lý an toàn các vật liệu mà họ gặp phải.

Việc loại bỏ các mảnh vỡ có thể chiếm khoảng 1/3 chi phí khắc phục thảm họa và kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Khi không được quản lý đúng cách, các bãi chôn lấp, sông, bờ biển hoặc các khu vực trống trải khác có thể trở thành bãi chứa các vật liệu nguy hiểm tiềm ẩn. Điều này làm ô nhiễm nguồn nước, đất, làm thay đổi dòng chảy của các con sông và gây ra mối đe dọa lớn đối với đời sống con người, thực vật và động vật.

Một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2017 đã nhấn mạnh việc xử lý những mảnh vỡ sau thảm họa là “một trong những thách thức lớn nhất” trên con đường phục hồi sau thảm họa. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Sau trận động đất ở Haiti, Rivière Grise trở thành bãi rác, đặc biệt là các mảnh vỡ xây dựng. Sau cơn bão Katrina, một bãi rác khẩn cấp đã được mở ở Versailles và quyết định đó đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình vì những lo ngại về môi trường. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đan xen trong chất thải xây dựng của các tòa nhà đổ sập là amiăng và các hóa chất độc hại khác cùng với các thiết bị gia dụng và điện tử.

Người dân và các nhóm bảo vệ môi trường đã bày tỏ lo ngại về những nguy tiềm ẩn ẩn chứa trong những núi rác thải này – một phần đã được đổ vào khu vực gần dân cư, cánh đồng nông nghiệp, lòng sông hoặc khu bảo tồn động vật hoang dã.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các kế hoạch quản lý rác thải đề cập đến việc phân tách, tái chế, tái sử dụng để xây dựng hoặc xử lý rác thải đúng cách. Tuy nhiên, việc thực hiện các kế hoạch này là một thách thức; các quan chức chính phủ hoan nghênh ý kiến đóng góp từ công chúng nếu họ quan sát thấy các hành vi sai trái hoặc bất hợp pháp của các nhà thầu.

Đáng quan tâm nhất, đó là sau thảm hoạ, một số di tích lâu đời nhất có thể bị mất mãi mãi. Trong bối cảnh gấp rút phục hồi và bảo tồn, trùng tu di tích, việc quản lý mảnh vỡ sau động đất cần phải được đặt lên hàng đầu. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hy vọng sẽ không gây ra một kiểu tàn phá nào khác cho khu dân cư cũng như hậu quả cho thế hệ tương lai.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích