Tham gia “hội bùng nợ”: Cẩn thận kẻo tiền mất, tội mang
“Nở rộ” các hội nhóm hướng dẫn “bùng nợ”
Thu Thủy (ở Hoài Đức, Hà Nội), thành viên của nhóm “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng” trên Facebook, chia sẻ, hiện, Thủy đang có một khoản nợ tiêu dùng lên đến hơn 20 triệu đồng (tiền lãi trả hàng tháng hơn 2 triệu đồng/tháng), đây là khoản nợ mà Thủy đã vay của một Công ty tín dụng tài chính khi chồng bị bệnh phải nằm bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, một mình đi làm công nhân vừa chăm chồng ốm đau, vừa nuôi 2 đứa con, nên tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, số tiền vay tín dụng lãi suất ngày một tăng khiến Thu Thủy lo lắng. Chưa nghĩ ra cách kiếm tiền trả nợ, Thu Thủy lên mạng xã hội Facebook “cầu cứu” cộng đồng mạng và xin gia nhập thành viên của một số hội nhóm, như: “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng”, “Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó”, “Bùng nợ F88, Fe Credit, tổ chức tín dụng ngân hàng”… Đáp lời “cầu cứu” của Thủy, hàng chục bình luận, chia sẻ, hướng dẫn về cách thức “bùng nợ” nhắn tin tới tấp. “Bạn em có rất nhiều người đã tham gia các hội nhóm hướng dẫn “bùng nợ” và thành công. Nhưng em thì không có ý định bùng nợ, chỉ vào nhóm tham khảo cho vui”, Thu Thủy chia sẻ…
Các hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ vay tiêu dùng nở rộ trên các trang mạng xã hội (Ảnh: Đ.Đ) |
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội và gõ từ khóa “bùng nợ”, ngay lập tức hàng trăm hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ hiện ra. Điều đáng nói, các hội nhóm này luôn thu hút một lượng thành viên đông đảo từ vài chục nghìn, cho đến vài trăm nghìn thành viên tham gia. Đơn cử như hội nhóm “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng” có đến hơn 39 nghìn thành viên; nhóm “Chuyên tư vấn bùng nợ – xóa nợ xấu (Fe, Home Credit, app cho vay) có gần 134 nghìn thành viên…Qua theo dõi các hội nhóm này cho thấy, mỗi ngày đều có đến hàng chục bài đăng với các nội dung tập trung chủ yếu như: Cách bùng nợ, hướng dẫn quỵt nợ các app, giải cứu khoản vay tín dụng… Cùng đó, dưới mỗi bài đăng là hàng trăm, hàng nghìn lượt like cùng hàng trăm lượt tương tác, bình luận. Trong đó, bên cạnh những bình luận mang tính “giải cứu” với đa dạng cách thức “bùng nợ” mà không bị phát hiện, thì cũng có rất nhiều bình luận cảnh báo về những hệ lụy dẫn đến với bản thân, gia đình, cũng như vấn đề pháp lý nếu bị xử lý…
Không chỉ là những hướng dẫn bùng nợ tín dụng, trong các hội nhóm hướng dẫn bùng nợ trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản thậm chí còn công khai giới thiệu các dịch vụ “bùng nợ” với nhiều mức giá khác nhau. Thậm chí, nhiều thành viên trong hội nhóm còn khoe “chiến tích” của mình và lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên nhẹ dạ sử dụng các dịch vụ “hỗ trợ trốn nợ, xù nợ”. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của các dịch vụ này thì khó ai có thể kiểm chứng được.
Cần chế tài đủ mạnh
Báo cáo tại hội thảo về “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – Đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra cuối tháng 10 vừa qua cho thấy, hiện có 16 Công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thu nhập thấp, dưới chuẩn tín dụng tiếp cận được vốn, hạn chế tín dụng đen. Thế nhưng, hiện hầu như các Công ty tài chính đều gặp khó khăn. Nợ xấu bình quân của các Công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã lên đến 8 -10%, cá biệt có Công ty nợ xấu lên đến 20%…
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho hay, các Công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong hoạt động thu nợ trước thực trạng bùng nợ ngày càng gia tăng. Thậm chí, nhiều đối tượng có hành vi thách thức, đe dọa cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ. Việc khách hàng “bùng nợ” tràn lan gây tác động xấu tới thị trường. Trong khi đó, các Công ty tài chính buộc phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý; trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, qua đó tác động trực tiếp đến người vay tiền chân chính.
Đề cập vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “bùng nợ” tiền vay tiêu dùng đang cho thấy một báo động đỏ về trách nhiệm trả nợ của người vay. Vì thế, đã đến lúc cần phải có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn để quản lý việc cho vay tiêu dùng. Trong những hội nhóm hướng dẫn“bùng nợ”, các đối tượng đều sử dụng triệt để tính ẩn danh của không gian mạng để lôi kéo người tham gia vay qua ứng dụng. Nhóm này sập, nhóm mới lại nhanh chóng được lập ra. Nội dung phong phú hơn, lời lẽ thuyết phục hơn, cách thức “bùng nợ” phức tạp hơn, khiến nhiều người dù không có ý định “bùng nợ” cũng dần lung lay.
Còn Luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng nên xử lý nghiêm để làm gương, đó là những người có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả. Đặc biệt là xử nặng những người kích động mọi người bùng nợ trên các hội nhóm. Khi các cơ quan chức năng tập trung sức lực, nhân sự cùng làm quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng này”, luật sư Sơn cho hay.
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô