Tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương. Không chỉ là Giải thưởng nhằm tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, GTCLQG đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, trở thành công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động và áp dụng các thực hành tốt nhất.
Để hoạt động GTCLQG phát triển và đi vào thực chất hơn nữa, chúng ta phải lôi cuốn được sự quan tâm của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Theo ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu Chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL) – Ủy viên Thư kí Hội đồng GTCLQG, để hoạt động GTCLQG phát triển và đi vào thực chất hơn nữa, chúng ta phải lôi cuốn được sự quan tâm của doanh nghiệp. Tất cả hoạt động kèm theo của Hội đồng GTCLQG, Hội đồng sơ tuyển, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành… sẽ cần phải có những chương trình hành động hoặc giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy được mong muốn của doanh nghiệp.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chưa có thông tin đầy đủ về GTCLQG. Phải khẳng định rằng để đạt được GTCLQG – giải thưởng mang tầm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng không phải điều dễ dàng, tỷ lệ doanh nghiệp đạt giải rất ít. Do vậy, trở ngại ở đây là doanh nghiệp nghĩ rằng đã tham gia phải đạt giải. Chính điều này là rào cản của doanh nghiệp.
Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp nghĩ rằng đạt giải không phải mục tiêu cuối cùng mà mục tiêu chính là tham gia GTCLQG để được chia sẻ, áp dụng những mô hình tiên tiến, để được các chuyên gia tư vấn, đánh giá, hướng dẫn áp dụng mô hình giải thưởng song song với những mô hình mà bản thân doanh nghiệp đang áp dụng thì đấy chính là lợi ích tự thân của việc tham gia GTCLQG. Đây là vấn đề liên quan đến tuyên truyền, phổ biến GTCLQG mà các cơ quan quản lý ở địa phương và trung ương phải tiến hành.
Vấn đề thứ hai về các hoạt động thực tế. Hiện nay, các hoạt động GTCLQG từ trung ương đến địa phương chỉ hướng đến hoạt động xem xét, đánh giá, trao giải, là chưa đủ, đây là hạn chế mà chúng ta nhận thấy. Giải pháp ở đây là chúng ta phải tiến hành rất nhiều hoạt động đi kèm, ví dụ phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được đội ngũ chuyên gia đánh giá của chính doanh nghiệp về GTCLQG – đây được xem là giải pháp căn cơ quyết định hoạt động giải thưởng đi vào thực chất của doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba, chúng ta phải tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng hệ thống tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp để diễn giải 7 tiêu chí. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động đào tạo. Nếu để doanh nghiệp tự đào tạo là rất khó mà hoạt động này phải do các cơ quan quản lý điều hành từ trung ương tới địa phương. Các cơ quan quản lý phải chủ động xây dựng các chương trình đào tạo cho nhiều mức độ của doanh nghiệp, phân ra các mức độ như: doanh nghiệp mới tham gia lần đầu, đã tham gia, đã đạt giải… với từng giai đoạn khác nhau.
Ngoài ra, có một thực tế là đâu đó, hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương vẫn chưa “nét”, bởi vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các hoạt động mang tính phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn về GTCLQG.
Thanh Tùng