Tham gia BHXH bắt buộc càng phải ưu đãi
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được kết cấu gồm 10 Chương và 136 Điều. Theo đó, Dự thảo Luật lần này bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc khoảng 3 triệu người.
Theo các chuyên gia, cần thiết kế các gói BHXH linh hoạt phù hợp với từng đối tượng tham gia. Ảnh minh họa: B.D. |
Góp ý về nội dung này, TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trong đó, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách để 2 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
“Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lần này quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Cần hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân”- ông Lợi phân tích.
Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3), PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ – chuyên gia pháp luật cho rằng: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng với 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, có hai câu chuyện cần trao đổi: Thứ nhất, làm thế nào để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ (theo thống kê có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, 270.346 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể 3 loại đối tượng khác). Tức là câu chuyện của tổ chức thực thi. Cần phải có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện, đó là trách nhiệm, là quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt là các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản, thậm chí cơ quan BHXH nên làm thay các thủ tục hành chính cho các đối tượng mới bổ sung này theo phương châm “đến từng nhà, rà từng đối tượng”. Và nếu phải làm như vậy thì cơ quan BHXH có làm nổi không? Mặt khác, đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới? Khả thi đến đâu? Nếu không thì chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống. Thực tiễn tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đã và vẫn đang là câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả.
Thứ hai, từ câu chuyện thứ nhất, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Cần thiết kế phù hợp để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc; thậm chí họ vui vẻ tham gia như một sự tự nguyện chứ không phải là bắt buộc. Theo đó, cần thiết kế các chính sách ưu đãi đi kèm với chính sách BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này.
Do đó, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề xuất 2 giải pháp: Một là, có thể quy định mức đóng của các đối tượng này thấp hơn các đối tượng khác nhưng chế độ thì nên tính toán thiết kế đầy đủ để tạo sự thành công của chính sách (Nhà nước nên xác định chịu thiệt (bù đắp) một phần cho chính sách này). Chính sách ưu đãi này được thực hiện trong một thời gian nhất định (ví dụ là 5 năm kể từ thời điểm họ tham gia BHXH bắt buộc). Đồng thời, giao cho Chính phủ nâng dần mức đóng của các đối tượng này cho tương xứng với các đối tượng khác theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và mức thu nhập của người tham gia BHXH.
Hai là, cũng có thể thiết kế một chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Tức là đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng để họ lựa chọn tùy theo khả năng đóng của mỗi người.
Ngoài ra, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại Khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Bảo Duy
Nguồn: Báo lao động thủ đô