Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế
(Xây dựng) – Ngày 22/7, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Thừa Thiên – Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại xuyên Á Đông – Tây, kết nối Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Vị trí địa lý mang lại cho Thừa Thiên – Huế nhiều lợi thế, nhất là khi sự thông thương giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng ngày càng trở nên năng động hơn.
Thừa Thiên – Huế càng lợi thế hơn nữa khi nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, sân bay Phú Bài, Quốc lộ 1A, trục cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt xuyên Việt, kề cận đường hàng hải nội địa và quốc tế, bờ biển dài… Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu với các địa phương trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thừa Thiên – Huế cùng với hệ thống di sản khu vực miền Trung, ASEAN và Đông Á hình thành nên những tuyến văn hóa du lịch xuyên quốc gia.
Hành lang ven biển miền Trung kết nối các hoạt động kinh tế và du lịch các đô thị chính của Thừa Thiên – Huế với các đô thị khác dọc ven biển miền Trung và cả nước, tạo đà để Thừa Thiên – Huế phát triển trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn trên các trục văn hóa Đông – Tây, Bắc – Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, Thừa Thiên – Huế đã tham gia thực hiện các chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như các định hướng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, qua đó khẳng định được vị thế, vai trò là cực phát triển quan trọng của quốc gia và vùng.
Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế trong việc hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch và làm sao để quy hoạch đô thị được hiệu quả nhất.
Cố đô Huế là đô thị đặc thù, nên việc xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, rác thải, nước thải… cần được làm có hệ thống và theo đúng quy định của luật bảo vệ môi trường.
Thừa Thiên – Huế cần chú trọng rà soát hiện trạng sử dụng đất rừng, các công trình thủy lợi, hiện tượng nước biển dâng, phòng chống hạn hán, phòng chống thiên tai…
Thừa Thiên – Huế vốn đa dạng về cảnh quan có lịch sử văn hóa du lịch lâu đời nhưng lại chịu sự tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu và cũng là nơi có khá đông các dân tộc tiểu số sinh sống, vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế và phát triển hạ tầng cơ sở cần quan tâm đến môi trường sống và hạ tầng cơ sở cho người dân tộc tiểu số.
Nhiệm vụ quy hoạch cần có các đầu mục riêng về văn hóa, du lịch Huế, tiềm năng giá trị di sản, giá trị nhân văn. Trong quá trình xây dựng cấu trúc đô thị cần nhấn mạnh vai trò của Huế trong con đường di sản miền Trung…
Tách riêng hiện trạng đất cho quốc phòng an ninh; xác định quy hoạch đất quốc phòng an ninh để đáp ứng nhu cầu lâu dài.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Thu Hằng nhấn mạnh một số nội dung mà Thừa Thiên – Huế cần chú trọng. Theo đó, Thừa Thiên – Huế nằm trong trọng điểm phát triển quốc gia nhưng có kết nối quốc tế, đặc biệt là kết nối Đông – Tây, có vai trò cửa ngõ với nước bạn Lào. Thừa Thiên – Huế cần chú trọng đến yếu tố đặc thù trong việc tổ chức không gian; Quy hoạch đô thị cần có tính thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Quy hoạch cần làm rõ tính kết nối vùng về giao thông; chia sẻ chức năng; làm rõ dự báo chỉ tiêu đô thị hóa.
“Thừa Thiên – Huế cần chú trọng đến vấn đề bảo tồn rừng. Việc bảo vệ rừng là vấn đề then chốt và cần được nhấn mạnh trong yêu cầu của nhiệm vụ lần này” – Bà Trần Thu Hằng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng