Thảm cảnh cắt điện kéo dài giữa đợt nắng nóng tại Bangladesh

Thảm cảnh cắt điện kéo dài giữa đợt nắng nóng tại Bangladesh

Tình trạng cắt điện thường xuyên do thiếu điện càng làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ của người dân khi nắng nóng thiêu đốt ở Bangladesh.

Bangladesh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất kể từ năm 2013 theo dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy, do thời tiết thất thường và khó thanh toán nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh dự trữ ngoại hối và giá trị đồng tiền giảm.

Cắt điện giữa nắng nóng

Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Bangladesh ngày 6/6 đã lên tới gần 41 độ C từ mức 32 độ C của mười ngày trước đó. Nắng nóng đã ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người dân, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời.

Cuộc khủng hoảng điện đã làm tăng thêm sự khốn khổ của người dân Bangladesh khi họ đã phải quay cuồng dưới đợt nắng nóng dài nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ.

Chính phủ đã đóng cửa hàng chục nghìn trường tiểu học và trung học trong tuần này khi nhiệt độ tăng lên hơn 40 độ C ở Dhaka. Các thành phố khác như Rangpur ghi nhận nhiệt độ cao 41 độ C – cao nhất kể từ năm 1958.

tm-img-alt
Một người kéo xe kéo uống nước giải khát trong đợt nắng nóng ở Dhaka. Ảnh: AFP

Các quan chức tại Cục Khí tượng Bangladesh cho biết chưa từng chứng kiến đợt nắng nóng nào kéo dài như vậy kể từ khi đất nước giành được độc lập vào năm 1971.

Với dự báo về nhiều đợt nắng nóng hơn và các tháng sử dụng điện cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 đang đến gần, Bộ trưởng điện lực của Bangladesh gần đây đã cảnh báo rằng tình trạng mất điện ở quốc gia Nam Á với dân số 170 triệu người, có thể tiếp tục trong những ngày tới.

Khùng hoảng “đè” khủng hoảng

Các quan chức cho biết cuộc khủng hoảng điện có thể sẽ kéo dài và thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng tài chính.

Đầu tuần này, hoạt động tại nhà máy điện lớn nhất của Bangladesh đã bị đóng cửa do chính phủ không thể nhập khẩu nhiên liệu vì dự trữ ngoại hối giảm và đồng taka của Bangladesh mất giá. Đồng tiền này đã mất giá khoảng 25% so với đồng USD vào năm ngoái.

Theo Ngân hàng Bangladesh, dự trữ ngoại hối của nước này lần đầu tiên xuống dưới 30 tỉ USD sau 7 năm, từ mức 46 tỉ USD một năm trước đó. Việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện Payra 1320 MW – nhà máy điện lớn nhất của đất nước do thiếu than – làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Bangladesh, nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc cung cấp cho các nhà bán lẻ toàn cầu bao gồm Walmart, H&M và Zara, đã buộc phải cắt điện trong 114 ngày trong 5 tháng đầu năm 2023. Con số này tăng hơn so với 113 ngày cắt điện trong cả năm 2022.

Dữ liệu từ Power Grid Co của Bangladesh cho thấy, việc cắt điện diễn ra phổ biến nhất vào buổi tối muộn và sáng sớm, với người dân và doanh nghiệp nhỏ phàn nàn về việc mất điện không báo trước kéo dài 10-12 giờ. Dữ liệu cho thấy nguồn cung thiếu hụt tới 25% vào đầu ngày 5/6. Một phân tích dữ liệu cho thấy mức thâm hụt nguồn cung tổng thể đã tăng lên mức trung bình 15% trong tuần đầu tiên của tháng 6, gần gấp ba lần mức thiếu hụt trung bình 5,2% trong tháng 5.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy tình trạng thiếu nhiên liệu là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Ngày 5/6, gần một phần tư trong số 11,5 gigawatt (GW) của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt của đất nước và khoảng hai phần ba trong số 3,4 GW công suất đốt than đã ngừng hoạt động trong ngày vì thiếu nhiên liệu, theo báo cáo hàng ngày của nhà điều hành lưới điện quốc gia trên trang web chính thức. Theo đơn vị vận hành, hơn 40% trong tổng số 7,5 GW của các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel và dầu mazut không thể vận hành do thiếu nhiên liệu.

Ít nhất 53 trong số 153 nhà máy điện của Bangladesh đã phải đóng cửa trong vài tuần qua để bảo trì hoặc thiếu nhiên liệu do thiếu hụt đồng USD – dữ liệu từ Công ty Lưới điện nhà nước của Bangladesh cho biết.

Dữ liệu cho thấy chỉ có 49 nhà máy điện đang hoạt động hết công suất trong khi 51 nhà máy còn lại đang hoạt động ở mức một nửa công suất do thiếu nhiên liệu.

Kết quả là, quốc gia Nam Á với 170 triệu dân này đang phải đối mặt với tình trạng giảm phụ tải chưa từng có, khoảng 2.500 megawatt, tương đương với sản lượng mà nước này sản xuất vào cuối những năm 1990.

Công ty xăng dầu nhà nước Bangladesh đã cảnh báo với Bộ Điện lực nước này vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 về việc thiếu đô la Mỹ để thanh toán tiền nhiên liệu cho Sinopec, Indian Oil và Vitol cũng như sụt giảm đáng báo động về dự trữ dầu nhiên liệu. Giá trị đồng tiền taka của Bangladesh đã giảm hơn 1/6 trong 12 tháng tính đến tháng 5 và dự trữ đô la giảm 1/3 xuống mức thấp nhất trong 7 năm vào tháng 4. Dữ liệu cho thấy sản lượng điện từ than đá và nhiên liệu lỏng đã tăng lên do chi phí sản xuất điện từ khí đốt, dẫn đến chi phí điện năng trung bình cao hơn. Tỷ lệ khí tự nhiên trong sản lượng điện giảm vào năm 2022 do trữ lượng địa phương giảm và thiếu các thỏa thuận dài hạn với các nhà cung cấp toàn cầu, mặc dù tỷ lệ này đã tăng trong những tháng gần đây khi giá LNG giảm.

Ảnh hưởng nặng nề

Đợt nắng nóng xảy ra trong bối cảnh Bangladesh đã và đang phải chật vật với tình trạng cắt điện vốn gây tổn hại cho nền kinh tế trong những tháng gần đây, bao gồm cả lĩnh vực may mặc quan trọng chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

tm-img-alt
Nhân viên một quán ăn làm việc dưới ánh nến do mất điện ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng điện cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung quần áo mùa hè cho các nhà bán lẻ như Walmart, Gap, H&M, Zara và một số khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh.

Xuất khẩu giảm sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề dự trữ USD của đất nước, vốn đã giảm gần 1/3 trong 12 tháng tính đến tháng tư xuống mức thấp nhất trong 7 năm và hạn chế khả năng thanh toán nhiên liệu nhập khẩu.

Cục Khí tượng Bangladesh cảnh báo, nắng nóng sẽ chưa chấm dứt trong những ngày tới. Các nhà khoa học đánh giá, biến đổi khí hậu đang góp phần gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn trong những tháng mùa hè.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích