Thai phụ 29 tuần chạy marathon 5 km: Nên không, bác sĩ nói gì?

Thai phụ 29 tuần chạy marathon 5 km: Nên không, bác sĩ nói gì?

Sự việc thai phụ 29 tuần chạy marathon 5 km gây xôn xao mạng xã hội. Nhiều người lo ngại mẹ bầu chạy bộ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Thai phụ 29 tuần chạy marathon 5 km

Chị Tiêu Thị Tú
(25 tuổi) mang thai ở tuần 29, quyết định chạy 5km cùng chồng để lưu giữ kỷ niệm
đẹp.

Chia sẻ về trải nghiệm
trên đường đua, chị Tú cho rằng việc này mang đến nhiều cung bậc cảm xúc nhất từ
trước đến nay. Cũng có thể do đang mang thai, nữ runner nói cảm xúc dâng trào
và liên tục biến đổi dù chỉ thi đấu 40 phút.

“Tôi lắng nghe cơ thể
suốt đường chạy. Vì tôi đang chạy cho mình và cả con. Không ép bản thân vì
thành tích. Rất may mọi thứ đều tốt đẹp” – chị Tú nói.

Chị Tiêu Thị Tú trên đường đua VM Hạ Long (Ảnh: VnExpress)

Có nên chạy bộ khi mang thai?

Chia sẻ về câu chuyện nói trên của thai phụ,
bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ thành phố Đà Nẵng cho
rằng phụ nữ mang thai có thể chạy bộ hay không phụ thuộc vào thể chất cá nhân của
họ.

“Trước hết xin chúc mừng hai mẹ con chị Tú đã về đích an toàn, bình an, mạnh khỏe sau khi chạy 5km trong trong thời gian 40 phút.

Tình trạng sức khỏe mỗi người là khác nhau, phụ nữ mang thai cũng vậy, có người suốt thời gian mang thai không dám làm gì, đi nhẹ nói khẽ nhưng do bệnh lý của mẹ hoặc con, do cầu trúc giải phẫu tử cung, cổ tử cung mà xảy ra tình huống đáng tiếc là động thai, sảy thai, sinh non,…. Nhưng cũng có trường hợp mẹ bầu đã 7 – 8 tháng vẫn nhảy cao, nhảy xa, đủ ngày đủ tháng mẹ tròn con vuông” – Bác sĩ Đào nói.

Theo bác sĩ Đào, thông
thường trong giai đoạn mang thai, phụ nữ không được phép tập thể dục quá sức. Nếu
phụ nữ mang thai có thể trạng tốt có thể chạy bộ thích hợp trong tam cá nguyệt
thứ hai, điều này sẽ cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và khả năng chống
lại bệnh tật, đồng thời cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể,
tránh táo bón.

Phụ nữ mang thai sức khỏe
yếu hoặc có nguy cơ sảy thai thì không được phép chạy bộ nếu không tử cung sẽ bị
kích thích, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Ảnh minh họa

Rủi ro khi chạy bộ trong thời kỳ mang thai

Bác sĩ Đào khuyên, những ai không có thói quen chạy bộ thì không nên chạy trong
khi đang mang bầu, thay vào đó hãy tập thể dục bằng cách đi bộ chậm rãi.

“Trọng tâm của phụ nữ thay
đổi khi mang thai, do trọng lượng tăng thêm ở phía trước cơ thể. Vì vậy, hãy hết
sức cẩn thận khi chạy trên bề mặt không bằng phẳng hoặc dốc hay địa hình gồ ghề,
vì trong giai đoạn này khớp lỏng lẻo hơn và dễ bị thương hơn” – Bác sĩ Đào cho
hay.

Một số phụ nữ mang thai cảm
thấy đau quanh xương chậu hoặc bụng, được gọi là đau dây chằng tròn. Điều này
là do dây chằng tròn giúp hỗ trợ tử cung, đau có thể nhiều hơn khi tập thể dục
mạnh.

Làm thế nào để chạy bộ an toàn khi mang thai?

Kiểm tra giày

Trong thời gian mang
thai, các khớp ở mắt cá chân và bàn chân có nguy cơ bị thương cao hơn. Bạn có
thể cần mua giày lớn hơn một cỡ nếu bàn chân của bạn bị sưng hoặc bẹt.

Mặc áo ngực phù hợp

Ngực của phụ nữ thường
thay đổi kích cỡ khi mang thai. Do đó, khi tập thể dục nữ giới cần mua áo ngực
phù hợp, chọn loại áo thấm hút mồ hôi tốt, mặc vừa người. Đai hỗ trợ mang thai
cũng có thể giảm đau lưng khi chạy bộ.

Uống nhiều nước

Bạn cần phải đi vệ sinh
nhiều hơn vì áp lực lên bàng quang tăng lên và có thể muốn uống ít hơn khi chạy.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Nước cần thiết cho
nước ối, thể tích máu tăng, tiêu hóa và loại bỏ chất thải.

Hãy lắng nghe cơ thể

Mang thai không phải là
thời điểm để cố gắng đạt được thành tích tốt nhất. Cơ thể bạn đã phải làm việc
chăm chỉ hơn bao giờ hết. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi, đi bộ chậm lại hoặc thêm
nhiều ngày phục hồi. Do hormone, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến trong giai đoạn
đầu mang thai. Đừng ép bản thân hoặc mong đợi mức độ thể lực của bạn sẽ vẫn như
trước khi mang thai.

Biết khi nào nên dừng lại

Theo bác sĩ Đào, ngay cả
những VĐV điền kinh cũng phải giảm cường độ luyện tập của họ trong thời kỳ mang
thai. Một nghiên cứu trên 110 người chạy bộ cạnh tranh đường dài cho thấy chỉ
có 31% chạy trong tam cá nguyệt thứ ba của họ. Trung bình, họ cắt giảm cường độ
luyện tập của mình xuống khoảng một nửa.

Nếu thấy âm đạo chảy máu
hoặc chất lỏng rỉ từ âm đạo, co thắt tử cung liên tục, tức ngực, chóng mặt, ngất
xỉu, đau, sưng bắp chân, thở gấp… sau khi chạy bộ, tập thể dục, mẹ bầu cần dừng
tập, đi khám để bác sĩ kiểm tra sức khỏe thai nhi, đưa ra lời khuyên nhằm bảo vệ
sức khỏe của mẹ và bé.

Do vậy, tùy theo thể trạng, quá trình luyện tập, quá trình mang thai mà mẹ bầu sẽ lựa chọn cho mình các hoạt động thể thao phù hợp, giúp cơ thể khỏe mạnh để quá trình sinh nở thuận lợi.

“Mẹ bầu nên khám thai định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, chế độ dinh dưỡng đầy đủ bảo đảm cho sức khỏe của mẹ và bé, chế độ tập luyện thể thao hoặc vận động phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ. Trước khi tham gia hoạt động nên siêu âm kiểm tra tình trạng sức khỏe tại cơ sở y tế, có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa đối với mỗi cá nhân cho từng hoạt động cụ thể để hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn xây ra” – Bác sĩ Đào khuyên.

Bạn cũng có thể thích