Thái Nguyên: Xử phạt hơn 540 triệu đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng kém chất lượng
Thời gian qua, lực lượng chức năng huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện các hành vi sai phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Phân công cán bộ quản lý địa bàn thường xuyên giám sát, nắm bắt các thông tin về hoạt động mua bán, xuất nhập hàng của các cửa hàng xăng dầu; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Điển hình, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp Xăng dầu Mạnh Hùng ở xã Cổ Lũng. Qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã có sai phạm về chất lượng mặt hàng xăng dầu. Theo đó, lực lượng chức năng đã phối hợp lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính trên 540 triệu đồng.
Cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp Xăng dầu Mạnh Hùng.
Cùng với các giải pháp của ngành chuyên môn, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) của huyện Phú Lương cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Từ năm 2019 đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử phạt 5 cửa hàng vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, huyện tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra định kỳ và đột xuất; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định liên quan đến kinh doanh mặt hàng xăng dầu cho các cửa hàng cũng như người dân. Qua đó nhằm đảm bảo việc cung ứng xăng dầu ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó cần có sự đánh giá cân nhắc nhiều mặt và xem xét kỹ lưỡng để đánh giá trước mắt và lâu dài.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các yêu cầu về quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm và liên đới chịu trách nhiệm về đo lường, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý.
Hà My