Thái Nguyên xử lý 220 sản phẩm đèn trung thu không có thông tin về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ

Cụ thể, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 đã tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải loại 1,5 tấn do ông N.D.H là chủ hàng kiêm lái xe, có địa chỉ tại xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Kết quả khám, Đoàn kiểm tra phát hiện tại phần thùng xe ô tô tải thùng kín có cất giấu 220 sản phẩm đèn trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có tổng trị giá 6.600.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên đều có cùng đặc điểm bao bì hàng hoá, nhãn hàng hoá không có bất cứ thông tin gì, không có tài liệu kèm theo để xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hoá; không gắn dấu hợp quy theo quy định.

Tại thời điểm khám, ông N.D.H là chủ hàng kiêm lái xe không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa trên.

Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.D.H số tiền phạt là 4.000.000 đồng về hành vi vi phạm “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm hành chính nêu trên theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn đèn lồng trung thu không có nhãn mác, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Nói tới các loại đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc, Tiến sỹ Đào Văn Tấn – Bộ môn Di truyền Hoá Sinh, Khoa Sinh học, Đại học sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ về tác động của những món đồ chơi nhập lậu tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Theo Tiến sỹ Đào Văn Tấn, trước đó Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã có những nghiên cứu về một số đồ chơi trên thị trường. Qua đó phát hiện nhiều đồ chơi bằng nhựa nhập lậu có lượng muối cadimi cao gấp nhiều lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tiến sỹ Đào Văn Tấn cho biết, cadimi là chất thường được sử dụng để tạo màu cho chựa. Đặc biệt, nó cùng với chì và thủy ngân là 3 kim loại thuộc danh sách độc hại nhất với cơ thể con người. Khi trẻ tiếp xúc với chất này qua đồ chơi sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh: ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh về đường hô hấp,… Ngoài hàm lượng cadimi, trong các đồ chơi nhựa nhập lậu thường sẽ có hàm lượng phthalatses cao hơn mức cho phép. Nếu trẻ ngậm đồ chơi, phthalatses sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước bọt, trực tiếp đi vào cơ thể và làm thay đổi tuyến nội tiết của trẻ.

Trước những hiểm họa của các loại đồ chơi nhập lậu, cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm soát thị trường đồ chơi trung thu. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần phải “tẩy chay” các loại đồ chơi không rõ ngốc này. 

Quy chuẩn về đồ chơi trẻ em

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để quản lý về sản phẩm này. QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em, trước khi lưu thông trên thị trường, phải gắn dấu hợp quy.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích