Thái Nguyên: UBND xã Phúc Thuận đề nghị kiểm tra trang trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường

Thái Nguyên: UBND xã Phúc Thuận đề nghị kiểm tra trang trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) liên tục xả thải ra Suối cạn cạnh trại khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến đời sống nhiều người dân.

tm-img-alt
Các trại chăn nuôi lợn ở xóm Đèo Nứa liên tục xả thải ra Suối cạn cạnh trại.

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2017 tại xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận trang trại nuôi lợn tập trung của hộ ông Nguyễn Thái Long và Ngô Thượng Hào có nuôi lợn với số lượng lớn. Trong khi đó hệ thống xử lý nước thải, phân heo chưa đảm bảo yêu cầu, thậm chí xả thải trực tiếp ra Suối cạn cạnh trại nên mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi là rất nặng nề, đặc biệt về ban đêm.

tm-img-alt
tm-img-alt
Hệ thống xử lý nước thải, phân heo chưa đảm bảo yêu cầu xả thả trực tiếp ra Suối cạn.

Điều đáng nói, tình hình ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi ở đây đã xảy ra nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

tm-img-alt

Đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một người dân sống gần trang trại lợn cho biết:“Kể từ khi trang trại đi vào hoạt động chúng tôi phải chịu bằng mùi hôi thối phát tán từ trại lợn rất kinh khủng, nhà tôi cách cả gần cây số mà vẫn thường xuyên ngửi thấy mùi nồng nặc. Vào những ngày nắng nóng, thời tiết oi bức, mùi hôi thối lại càng kinh khủng hơn. Vào ngày mưa còn có phân heo tràn ra ngoài, trôi dạt khắp nơi”.

tm-img-alt
Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các trại chăn nuôi lợn này có quy mô rộng nhiều hecta, chất thải được trực tiếp thải ra Suối cạn bên cạnh khiến nước của con suối này đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Được biết các trang trại này được cấp phép từ năm 2017, có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

tm-img-alt
Tình hình ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi ở đây đã xảy ra nhiều năm.

Nhận được phản ánh của người dân, ngày 12/3/2023, UBND xã Phúc Thuận đã chỉ đạo tổ công tác kiểm tra môi trường tới khu vực trại chăn nuôi lợn của ông Nguyền Thái Long và ông Ngô Thượng Hào kiếm tra, lập biên bản việc gia đình có xả thải ra môi trường.

tm-img-alt
tm-img-alt
Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau khi kiểm tra, tổ công tác kết luận: Tại khu vực trại trang trại của ông Nguyền Thái Long và ông Ngô Thượng Hào có xả thải ra môi trường (suối cạn), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Yêu cầu chủ trang trại dừng ngay việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và có biện pháp khắc phục việc xả thải ra môi trường.

tm-img-alt

Chất thải được trực tiếp thải ra Suối cạn bên cạnh khiến nước của con suối này đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Đồng thời, UBND xã Phúc Thuận cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; UBND TP Phổ Yên; Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức kiểm tra, lấy mẫu để xác định việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trang trại của ông Nguyễn Thái Long và ông Ngô Thượng Hào, xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận.

tm-img-alt
Văn bản số 235/UBND-ĐC về việc đề nghị kiểm tra việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của trang trại ông Nguyễn Thái Long và ông Ngô Thượng Hào, xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận. 

Trước tình trạng trang trại lợn trên địa bàn xã Phúc Thuận, xả nước thải, phân lợn không qua xử lý ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là UBND TP Phổ Yên cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó:

Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.”

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích