Thái Nguyên: Tổng vốn đầu tư công trung hạn là hơn 27.400 tỷ đồng

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 12.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 8.900 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 1.200 tỷ đồng.

thai nguyen tong von dau tu cong trung han la hon 27400 ty dong
Khu vực trung tâm Thành phố Thái Nguyên hiện nay. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh Thái Nguyên là hơn 27.400 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương gần 5.700 tỷ đồng, vốn đầu tư ngân sách địa phương hơn 17.100 tỷ đồng và nguồn trả tiền thuê đất một lần do cấp tỉnh quản lý hơn 4.400 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đó là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Vốn đầu tư công tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.

Tỉnh không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Theo ông Nguyễn Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách, thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương; bố trí vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Cùng với đó, tỉnh bố trí vốn hợp lý cho các ngành, lĩnh vực do sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh quản lý và các địa phương cấp huyện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đồng thời góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, địa phương.

Việc bố trí vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Theo kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, cùng với việc ưu tiên vốn hoàn thành các công trình chuyển tiếp, tỉnh Thái Nguyên đầu tư mới, triển khai nhiều công trình, dự án lớn như: tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường vành đai 5 đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên; cải tạo, nâng cấp các hồ, đập trên địa bàn; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên…

Qua thống kê mới đây của tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là 12.200 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 8.900 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 1.200 tỷ đồng, vốn vay ODA trên 2.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn này được sử dụng phần lớn cho đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương với bên ngoài, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nhẹ thiên tai…

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vốn đầu tư cho phát triển còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn tại địa phương, mức độ thực hiện đầu tư một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại các quy hoạch ngành, lĩnh vực đạt thấp, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa được đồng bộ, chưa tạo được sự kết nối, lan tỏa vùng./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích