Thái Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp

(Xây dựng) – Cùng với việc chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản, trong ngày 30/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã tiếp tục có chỉ đạo tới Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Thái Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp
Ngày 11/5/2023, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao: Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có), động viên, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Giao Sở Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có), động viên, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; động viên, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo.

Mặt khác, chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và các đơn vị có liên quan thống kê danh sách 50 doanh nghiệp tiêu biểu, có mức đầu tư lớn, có đóng góp và ảnh hưởng lớn đối với việc nâng cao các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh kế hoạch làm việc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và động viên, hỗ trợ doanh nghiệp.

Được biết, trước đó, ngày 11/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ký Quyết định số 1021/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm hơn 30 thành viên do ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại ngành, địa phương; giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành và địa phương để giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Thống nhất, đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8.877 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 129.435 tỷ đồng.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 tới nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 43 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 141 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 83 doanh nghiệp và cấp thành lập đơn vị trực thuộc 11 đơn vị; theo chiều ngược lại, có 29 doanh nghiệp dừng hoạt động, 16 doanh nghiệp giải thể.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021- 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu lũy kế đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp; trong đó 4.100 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 57.370 tỷ đồng.

Thái Nguyên cũng định hướng tập trung phát triển các doanh nghiệp số, có ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn sẽ có 700 doanh nghiệp số và đến năm 2030 có 3.000 doanh nghiệp số. Đồng thời, khai thác hiệu quả và thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; phấn đấu phổ cập mạng di động 5G trên địa bàn tỉnh, kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích