Thái Nguyên: Tập huấn giám sát thi công công trình cơ sở hạ tầng

(Xây dựng) – Từ ngày 3 – 6/11, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ giám sát thi công công trình cơ sở hạ tầng thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Thái Nguyên: Tập huấn giám sát thi công công trình cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng phát triển, cuộc sống của bà con các dân tộc xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cũng được nâng cao.

Với mục đích trang bị những kinh nghiệm về kỹ năng giám sát thi công xây dựng công trình và nghiệp vụ giám sát đầu tư cộng đồng, từ ngày 3-6/11, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ giám sát thi công công trình cơ sở hạ tầng thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Lớp tập huấn có sự tham gia của 140 học viên là người có uy tín tại các huyện trong tỉnh. Tại đây, các học viên được giảng viên Viện Quản lý đầu tư xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội truyền đạt, cung cấp thông tin, kiến thức mới và trao đổi phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm về giám sát thi công xây dựng công trình gồm: Giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công công trình hạ tầng kỹ thuật theo đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Những nội dung tập huấn được chia thành 4 chuyên đề chính gồm: Giới thiệu các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến giám sát thi công các công trình cơ sở hạ tầng; tổng quan về quản lý thi công cây dựng công trình; giám sát thi công và nghiệm thu các công trình hạ tầng; giám sát thi công và nghiệm thu áp dụng cơ chế đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia.

Được biết, tại Thái Nguyên: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 bao gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với mục tiêu tổng quát là: Khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với thu nhập bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em…

Theo thống kê, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

100% xã có đường ôtô đến trung tâm; 99,79% xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ôtô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế trong đó có trên 90% xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích