Thái Nguyên: Tăng vốn xây dựng sân vận động tầm quốc tế
(Xây dựng) – Tại Kỳ họp thứ chín (Kỳ họp chuyên đề) vừa được tổ chức ngày 28/10, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư lên thêm gần 70 tỷ đồng.
So với tổng mức đầu tư ban đầu, sau hai lần điều chỉnh dự án xây dựng sân vận động mới của tỉnh Thái Nguyên đã tăng tổng mức đầu tư lên gần gấp đôi. |
Tầm quốc tế
Ngày 19/5/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, kỳ họp chuyên đề đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên với tổng mức đầu tư là 309,4 tỷ đồng (trong đó: 200 tỷ đồng sẽ là từ nguồn ngân sách Trung ương và 109,4 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách tỉnh).
Đây là thiết chế thể thao cấp tỉnh quy mô, đồng bộ và hiện đại, hứa hẹn góp phần phát triển tốt hơn sự nghiệp thể dục, thể thao của địa phương, thu hút các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Để công trình sân vận động Thái Nguyên được đầu tư mới toàn diện về công năng và có tính mỹ thuật cao, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.
Vượt qua 6 tác phẩm tham dự cuộc thi tuyển rộng rãi, “Hoa đại ngàn” của Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng – Bộ Quốc phòng được lựa chọn là phương án thiết kế kiến trúc xây dựng sân vận động Thái Nguyên hay nhất.
Ý tưởng thiết kế kiến trúc “Hoa đại ngàn” được hình thành trên những khối hình như những chiếc lá vươn mình đón ánh nắng bình minh, cùng nương tựa, sát cánh, đồng lòng tiến về phía trước, lớp lớp nối tiếp nhau viết lên trang sử vẻ vang, hào hùng của mảnh đất Thái Nguyên.
Cùng với mặt nước lung linh, đó cũng là sự năng động, mạnh mẽ, đầy khí phách của mảnh đất công nghiệp đang phát triển, đặc trưng bởi ý chí kiên cường của những con người nơi đây; là sự thủy chung, đồng lòng nối vòng tay lớn từ trong kháng chiến trường kỳ đến xây dựng đất nước, thể hiện sự khát khao chiến thắng, “tinh thần Fair play” trong cuộc sống cũng như thể thao.
Bên cạnh đó, thiết kế còn chứa đựng sự kết hợp của các yếu tố ngũ hành tương sinh, mang lại sự bền vững; là khát vọng được cống hiến và tỏa sáng… Công trình hiện thân như đóa hoa giữa đại ngàn, là linh hồn của núi rừng, là biểu tượng của thành phố Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ.
Công trình cũng sẽ tận dụng tốt các không gian dưới khán đài để bố trí các khu chức năng, tạo nên các không gian đóng – mở linh hoạt, kết nối tốt giữa trong và ngoài công trình, tận dụng tối đa thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
Theo thiết kế, hệ thống mái thi công đơn giản, ít tốn kém chi phí, hình khối khỏe khoắn, mang ngôn ngữ đặc trưng của công trình thể thao. Mặt đứng được nghiên cứu chi tiết, tạo nên vẻ năng động, hiện đại và thu hút.
Sân vận động được xây mới có khán đài với quy mô 22.000 chỗ ngồi, có mái che, trang thiết bị hiện đại đảm bảo diện tích một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, đường Pitse bao quanh gồm 8 đường chạy vòng, 10 đường chạy thẳng theo tiêu chuẩn IAAF; khu vực thi đấu các môn khác như: Đẩy tạ, ném lao, nhảy xa, nhảy cao…
Tăng vốn
Tại Kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 4/11/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 156 tỷ đồng so với phê duyệt cách đây ít tháng.
Về lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho rằng: Tại thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị lập chủ trương đầu tư căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 và Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ (lựa chọn phương án tính toán tổng mức đầu tư áp dụng theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 65/QĐ-BCD ngày 20/01/2021).
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên: Sau khi phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình được phê duyệt, đơn vị tư vấn triển khai hồ sơ thiết kế cơ sở, lập tổng mức đầu tư căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP (phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng theo thiết kế cơ sở và yêu cầu cần thiết khác của dự án), giá trị tổng mức đầu tư do đó tăng thêm 156.662 triệu đồng so với giá trị tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 19/5/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên.
Mặc dù dự án chưa được khởi công, nhưng tại Kỳ họp thứ chín (Kỳ họp chuyên đề) được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức hôm 28/10 vừa qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư tăng thêm gần 70 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên xấp xỉ 536 tỷ đồng.
Lý do tăng, theo UBND tỉnh Thái Nguyên là tại thời điểm lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giá trị khái toán chi phí giải phóng mặt bằng do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Nguyên cung cấp cho chủ đầu tư để xác định tổng mức đầu tư dự án chưa xác định được rõ nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất, chưa thống kê chi tiết tài sản trên đất (dẫn đến tăng do đơn giá bồi thường đất; tăng do diện tích đất ở; tăng diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản; tăng do số lượng cây trồng trên đất; tăng do phần tài sản chưa thống kê chi tiết, tài sản phần chìm, tài sản có kết cấu khác biệt; tăng do chi phí di chuyển đường điện).
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra nguyên nhân là việc áp dụng đơn giá bồi thường các loại đất, tài sản trên đất tại thời điểm khái toán chưa phù hợp, chưa tính toán hết các yếu tố dự phòng dẫn đến việc tăng đơn giá bồi thường.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Nguyên, đến nay đơn vị đã thống kê, kiểm đếm 94/94 hộ gia đình, cá nhân; đã trình thẩm định 49 đợt với diện tích là 9,82ha với kinh phí bồi thường gần 100 tỷ đồng; đang trình thẩm định 18 đợt với giá trị 59,33 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị đang hoàn thiện hồ sơ đã thống kê kiểm đếm là 9,54 tỷ đồng; giá trị giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng là 97,56 tỷ đồng.
Theo kế hoạch mới được điều chỉnh, quý IV/2022, Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên sẽ được khởi công và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2025.
Nguồn: Báo xây dựng