Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Cách làm này góp phần đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi của anh Quách Thanh Bình (ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập, Đồng Hỷ) hiện có 70 con bò BBB thương phẩm. Nguồn thức cho đàn bò ngoài cỏ tươi, rơm khô, cám công nghiệp còn có một lượng lớn thức ăn thừa lấy từ các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mỗi tuần anh Bình tiếp nhận 70 thùng phuy (200 kg/phuy) thức ăn thừa, chủ yếu là cơm lẫn với các loại thực phẩm khác. Mỗi thùng như vậy có chi phí từ 200-220 nghìn đồng tiền thuê người thu gom và vận chuyển.
Anh Bình chia sẻ: Thức ăn thừa khi đưa về trang trại, tôi sẽ ủ bằng men rượu hoặc men vi sinh trong 2 ngày trước khi cho bò ăn. Trung bình mỗi con bò ăn từ 10-15kg/ngày. Qua nhiều năm sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi bò, tôi nhận thấy đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt.
Từ năm 2020 đến nay, gia đình anh Dương Văn Sơn (ở xóm Giữa, xã Úc Kỳ, Phú Bình) cũng đã tận dụng nguồn thức ăn thừa để chăn nuôi cá, với diện tích mặt nước khoảng 1ha. Trung bình một năm anh Sơn tiếp nhận khoảng 90 tấn thức ăn thừa các loại, như: cơm, rau, củ, quả… để chăn nuôi 15.000 con cá giống.
Anh Sơn cho biết: Tùy từng loại thức ăn thừa mà tôi thả các loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, chim, trôi. Đối với các loại là rau, củ, quả thì tôi cho cá ăn luôn sau khi lấy về, còn các loại thức ăn thì ủ bằng men vi sinh trước rồi mới sử dụng. So với chăn nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp thì chăn nuôi cá từ thức ăn thừa giúp tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng/năm.
Ngoài anh Sơn và anh Bình, hiện nay còn có 51 hội viên khác thuộc Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh cũng tận dụng nguồn thức ăn thừa được lấy từ 6 công ty (gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Công ty ALK VINA; Công ty CP Hyundai Aluminum Vina; Công ty TNHH ShinSung C&T Vina; Công ty Sun DC Vina; Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam) thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm thức ăn chăn nuôi cho bò, gà, vịt, cá.
Năm 2023, lượng thức ăn thừa được tiếp nhận là 4.233 tấn. Việc tiếp nhận và phân phối thức ăn thừa hiện nay do 2 đơn vị đều là hội viên của Hội đảm nhận. Trung bình hàng năm, các thành viên trong Hội cung cấp ra thị trường từ 600-700 tấn thịt các loại từ việc tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi.
Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh, cho biết: Để sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn thừa do các công ty cho, tặng, thời gian vừa qua chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về việc xử lý thức ăn thừa để làm thức ăn trong chăn nuôi cho các hội viên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các qui định về bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh của hội viên, cũng như kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng thức ăn thừa của 2 đơn vị được Hội phân công tiếp nhận, phân phối thức ăn thừa.
Cũng theo ông Phúc, việc tận dụng nguồn thức ăn thừa đã giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thức ăn thừa do các công ty cho, tặng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chăn nuôi của các hội viên. Chính vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng và các địa phương của tỉnh để xin thêm lượng thức ăn thừa tại các công ty khác ngoài 6 công ty trên.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị