Thái Nguyên: Quy hoạch đô thị phát triển bền vững

(Xây dựng) – Là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức ngày 17/12, tại Sở Xây dựng Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Quy hoạch đô thị phát triển bền vững

Theo ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên: Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Việc tổ chức hội thảo “Quy hoạch đô thị phát triển bền vững” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm: Triển khai thực hiện 1/6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 nhằm định hướng chủ trương, đường lối về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mang đến cách tiệp cận đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển, kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tại hội thảo, hơn 10 bản tham luận của các kiến trúc sư, chuyên gia nước ngoài đã trình bày về nhiều nội dung, như: Tổng quan “Quy hoạch đô thị và phát triển bền vững”; đánh giá về việc lập quy hoạch đô thị tại Thái Nguyên; các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam; yếu tố văn hóa trong phát triển đô thị theo hướng bền vững; tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng, trong hành trình hướng tới phát triển đô thị bền vững; quy hoạch gắn với tự nhiên trong thiết kế và xây dựng các khu đô thị mới nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững; chuyển đổi số hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành Xây dựng tại địa phương…

Đánh giá về thực trạng hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay tại TP Thái Nguyên, KTS Vũ Tùng cho hay: Chỉ mới đáp ứng cơ bản về đảm bảo an toàn giao thông, chú trọng trong việc chiếu sáng giao thông cho tuyến phố hoặc bố trí cho các công trình trọng điểm, chủ yếu là những không gian giải trí. Nguyên nhân một phần do các thiết bị chiếu sáng được sản xuất bằng vật liệu hoặc công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng, trong khi cần phải tiết kiệm năng lượng cho tương lai. Điều này vô tình dẫn đến việc tạo ra nhiều khoảng thiếu sáng cho không gian kiến trúc vào đêm. Chiếu sáng đô thị còn phải đảm bảo an ninh trật tự xã hội, mang tính nghệ thuật cao. Chiếu sáng đô thị phải được bố trí phù hợp khiến người dân cảm thấy an tâm, an toàn khi đi lại khi trời tối. Nó cũng kích thích mọi người rời khỏi nhà, để tham gia các hoạt động cộng đồng ngoài trời hoặc sử dụng phương tiện công cộng vào ban đêm, là một tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại, du lịch cho thành phố.

Bàn về quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, KTS Lê Cao Hải cho rằng: Để triển khai đồng bộ hiệu quả, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để các ứng dụng cho các mục tiêu, trong đó có phục vụ công tác quy hoạch trên nền tảng thiết bị thông minh. Sở Xây dựng đã bước đầu triển khai thực hiện việc lồng ghép một số nội dung phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng đất và tài nguyên hiệu quả vào các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị.

Đánh giá về các khu đô thị mới được quy hoạch, các KTS Nguyễn Việt Huy và Đỗ Đình Trọng cho rằng: Thực tế cho thấy, các khu đô thị mới được quy hoạch, xây dựng khá đa dạng có diện tích từ dưới 10 ha đến trên 200 ha, mà những quy hoạch đó chủ yếu chỉ cần đáp ứng quy chuẩn QCVN 01/2008 (sửa đổi và cập nhật 2014, 1019 và 2021). Trong quy chuẩn đó cũng chỉ có đầy đủ yêu cầu về mật độ, chiều cao, tỷ lệ từng loại đất mà không có các quy định về ngôn ngữ, màu sắc và hình thái kiến trúc. Trong khi đó, diện tích cho phép xây dựng

các khu đất ở luôn chiếm 30 – 40% mà trong đất ở có tới 90% là nhà ở chia lô nhưng lại không có hướng dẫn hay quy định cụ thể về kiến trúc loại hình công trình này.

Cũng theo các KTS: Điều này dẫn đến hệ lụy là tạo ra khe hở cho chủ đầu tư tự do “sáng tác” vì lợi ích trước mắt, phục vụ cho mục đích bán hàng mà xây dựng những khu đô thị mới thiếu bản sắc, nhàm chán, thậm chí sao chép nguyên mẫu như kiểu “một Paris giữa lòng Hà Nội” hay “một Venice giữa lòng Phú Quốc”.

Tổng kết về hội thảo, KTS Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên khẳng định: Hội thảo “Quy hoạch đô thị phát triển bền vững” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đồng thời bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại… Thông qua hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, các KTS và những người yêu thích công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sẽ có thêm góc nhìn, phương pháp tiếp cận trong lập và triển khai thực hiện quy hoạch đô thị bền vững tại Thái Nguyên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích