Thái Nguyên: Phát triển chợ an toàn thực phẩm quanh các khu công nghiệp
Thái Nguyên: Phát triển chợ an toàn thực phẩm quanh các khu công nghiệp
Theo dõi MTĐT trên
Sau một thời gian triển khai, mô hình điểm chợ an toàn thực phẩm tại Trung tâm thương mại TP. Sông Công đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công: Địa phương có các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh đứng chân, thu hút nhiều lao động đến làm việc, sinh sống. Vì thế, các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn cũng được đầu tư, mở rộng. Từ thực tế này, vấn đề ATTP luôn được thành phố quan tâm, triển khai thực hiện. Và nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tháng 7/2022, TP. Sông Công đã triển khai mô hình điểm về đảm bảo ATTP tại trung tâm thương mại thuộc phường Mỏ Chè.
Thực hiện mô hình này, trên 30 tiểu thương kinh doanh thực phẩm chín, đồ ăn nhanh tại Trung tâm thương mại TP. Sông Công đã được tuyên truyền, tập huấn về các quy định, kiến thức thực hành ATTP. Thành phố cũng vận động, yêu cầu các tiểu thương trang bị bảo hộ lao động, đầu tư dụng cụ gắp, tủ, chạn đựng thực phẩm chín để tránh nhiễm chéo vi khuẩn. Ngoài ra, Ban Quản lý Trung tâm thương nghiệp thành phố phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại các hộ kinh doanh, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP.
Sau quá trình kiểm tra, đánh giá cho thấy, tiểu thương đã chủ động trang bị các dụng cụ bảo hộ như: mũ, găng tay, lắp đặt tủ kính để bảo quản thực phẩm; vệ sinh nơi bán hàng sạch sẽ; nhập hàng có nguồn gốc rõ ràng… Đặc biệt, trên 80% cơ sở, điểm kinh doanh đã đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn ATTP, được dán mã QR để người dân theo dõi, phản ánh nếu vi phạm.
Từ hiệu quả mô hình điểm chợ ATTP tại Trung tâm thương mại thành phố, hiện nay, một số chợ lớn trên địa bàn TP. Sông Công như: Khu dịch vụ số 7, số 8 phường Mỏ Chè; chợ Phố Cò; chợ Bá Xuyên… cũng đã tích cực triển khai mô hình này tới người dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, giúp người tiêu dùng được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.
Thực hiện mô hình, các chợ đã tập trung bố trí quầy, sạp, sắp xếp cơ sở kinh doanh đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Đối với cơ sở bán đồ tươi sống, các tiểu thương đã chú trọng đầu tư nâng cấp khu vực kinh doanh, bố trí hệ thống thu gom nước thải phù hợp; trang bị bàn bày bán, mặt bàn inox, thanh treo, móc treo đối với các mặt hàng là thịt gia súc, gia cầm; các hộ kinh doanh thực phẩm chín trang bị bàn bày bán mới, chạn đựng thực phẩm… Người trực tiếp chế biến, kinh doanh đều được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.
Ông Đào Thanh Giang, Chủ tịch UBND phường Phố Cò, cho biết: Chợ Phố Cò phần lớn phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy ở khu vực lân cận, do đó vấn đề ATTP luôn được địa phương quan tâm. Các quầy bán hàng đã thực hiện nghiêm tiêu chí về: thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, quá hạn sử dụng; thực phẩm chế biến phải được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy…
TP. Sông Công hiện có 7 chợ tại các xã, phường; trên 450 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố. Qua thực tế triển khai cho thấy, mô hình chợ ATTP trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực đưa công tác quản lý ATTP đi vào nền nếp; cung cấp những sản phẩm an toàn tới người dân, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra…
Tính riêng năm 2022, thành phố đã kiểm tra hơn 60 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đồ uống, nhằm tuyên truyền và đưa hoạt động kinh doanh thực phẩm an toàn vào nề nếp.
Tính riêng năm 2022, TP. Sông Công đã kiểm tra hơn 60 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đồ uống. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 14,5 triệu đồng./.
An Na (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị