Thái nguyên phát hiện 1.000 ốp điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ
Qua quá trình rà soát tình hình hoạt động quảng cáo bán hàng qua tài khoản mạng xã hội Facebook “N.S.T” có địa chỉ tại tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.S.T.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 1.000 chiếc ốp điện thoại không có tên nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, không có thông tin về nguồn gốc nơi sản xuất của hàng hóa hoặc thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại hộ kinh doanh gần 10 triệu đồng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông T chủ hộ kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được ông mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Nhiều ốp lưng điện thoại không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hộ kinh doanh N.S.T về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” với số tiền phạt 4 triệu đồng và tịch thu 1.000 chiếc ốp điện thoại nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia công nghệ, ốp lưng điện thoại là một trong những phụ kiện phổ biến thu hút người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ. Thị trường ốp lưng cho điện thoại ở Việt Nam phần lớn là hàng không rõ nguồn gốc có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn. Mặt hàng này được bày bán ở nhiều nơi, từ các cửa hàng điện thoại di động lớn, nhỏ cho đến vỉa hè.
Mẫu mã của mặt hàng này rất đa dạng, nhiều màu sắc hình thù, chất liệu phong phú, từ khung nhựa cứng tới đính đá, da sần hoặc trơn, ốp có tráng gương, ốp chứa nước và kim tuyến ở giữa… Đối với những chiếc ốp điện thoại giá rẻ, kém chất lượng được cho là chứa hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. Dung dịch bên trong ốp lưng có thể gây khó chịu cho da, thậm chí làm phồng rộp hoặc bỏng hóa học cho da nếu rò rỉ.
Cũng theo các chuyên gia công nghệ, việc sử dụng vỏ điện thoại không những không kéo dài tuổi thọ cho điện thoại mà còn gây ảnh hưởng đến chức năng làm mát của nó. Trên thực tế, điện thoại có thể dùng bền hơn khi không dùng ốp lưng và ngược lại, “tuổi thọ” kém hơn khi có ốp lưng bao bọc. Bởi thế, người tiêu dùng nên chú ý khi chọn mua vỏ ốp điện thoại. Không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ không uy tín, an toàn.
An Dương