Thái Nguyên: Nhà đầu tư khốn đốn vì quyết định dừng dự án bất thường của lãnh đạo tỉnh

Một trong những nội dung phản ánh của bản đọc gửi về tòa soạn là vụ việc tréo ngoe sau đây, gây bức xúc cho nhà đầu tư.

Hết vì lý do an ninh chính trị, lại đến lý do không phù hợp quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ để áp đặt chấm dứt dự án của doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã gây bức xúc dư luận khi đẩy nhà đầu tư  rơi vào “cửa tử” vì những quyết định khó hiểu, bất thường của lãnh đạo tỉnh.

Vụ việc Công ty Hồng Hưng bị dừng Dự án đột ngột với nhiều lý do bất thường, thiếu thuyết phục đã gây thiệt rất lớn cho doanh nghiệp và làm tổn hại đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.

Lãnh đạo tỉnh “quay xe”, “bức tử” dự án của doanh nghiệp

Công ty TNHH Hồng Hưng (Công ty Hồng Hưng) có trụ sở tại tổ 23 phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 17 121 000 036 ngày 04/6/2012 để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, năm 2013 thì có Quyết định giao đất.

Công ty Hồng Hưng đã gấp rút hoàn tất các thủ tục hành chính, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, đã thanh toán, bồi thường đầy đủ tiền giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, thực hiện kế hoạch triển khai xây dựng: Hợp đồng với các đơn vị thiết kế, thi công cung cấp vật tư, lựa chọn nhà thầu… và làm lễ khởi công xây dựng.

Trong khuôn viên đất được giao thực hiện dự án có một cửa hàng bán xe máy nằm “trái phép” trong đất dự án không chịu di dời. Mặc dù, diện tích cửa hàng xe máy đang sử dụng là thuê lại của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi và đã hết hợp đồng. Trước đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi cũng đã nhận tiền đền bù để trả lại đất phục vụ dự án.

Ngày 19/2/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản số 282/UBND-TH về giải phóng mặt bằng cửa hàng xe máy Honda. Văn bản vừa ra chưa ráo mực thì ngày 10/3/2014 chính UBND tỉnh Thái Nguyên lại có văn bản số 451 về việc dừng thực hiện văn bản số 282 để chờ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy theo Thông báo số 984-TB-TU: Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng diện tích đất dự án vì lý do “an ninh chính trị như báo cáo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh”.

Đến ngày 09/9/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 2390/UBND-NC về việc thực hiện Thông báo số 984-TB/TU ngày 27/9/2013 gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định Dự án phù hợp với các quy hoạch được duyệt.

Những tưởng sau văn bản trên của UBND tỉnh thì mọi vướng mắc liên quan đến dự án sẽ sớm được tháo gỡ; tuy nhiên, Công ty Hồng Hưng đã gặp phải cú sốc lớn khi Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Thông báo số 1964-TB/TU ngày 28/8/2015 thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về Dự án đầu tư Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn Hồng Hưng tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên với nội dung: “Giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng và các văn bản liên quan, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định rõ các chi phí hợp pháp của Công ty Hồng Hưng với dự án, cho Công ty thoái vốn do không thực hiện dự án và báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30/9/2015”.

Thông báo “dừng thực hiện dự án vì lý do an ninh chính trị” của Tỉnh ủy Thái Nguyên.

“Cú phanh” đột ngột của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã khiến dự án của Công ty Hồng Hưng phải nằm bất động, không thể triển khai đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực, Thái Nguyên vẫn quyết tâm “khai tử” dự án

Để cứu vãn dự án, cứu vãn những đồng vốn mồ hôi nước mắt đã đầu tư, Công ty Hồng Hưng đã liên tục có đơn gửi các cấp, ngành đề nghị xem xét và có câu trả lời thỏa đáng về lý do thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dù trước đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định cho phép và khẳng định đúng trình tự, đúng pháp luật.

Tính đến 6/7/2017 Văn phòng Chính phủ đã có tới 5 văn bản (số 9668/VPCP-V.1 ngày 19/11/2015, số 2073/VPCP-V.1 ngày 29/3/2016, số 4977/VPCP-V.1 ngày 21/6/2016, số 9067/VPCP-V1 ngày 24/10/2016, số 7021/VPCP-V1 ngày 6/7/2017…) truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực gửi UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu báo cáo và giải quyết dứt điểm vụ việc.

Văn bản tự phê bình, nhận trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Nguyên

Ngày 8/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2220/UBND-TH gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ “tự phê bình, nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chậm trễ việc thực hiện giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Hưng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giao tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ: số 9668/VPCP-V.1 ngày 19/11/2015, số 2073/VPCP-V.1 ngày 29/3/2016, số 4977/VPCP-V.1 ngày 21/6/2016”.

Ngày 6/7/2017 tại Văn bản số 7021/VPCP-V1, Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, trong đó yêu cầu “nêu rõ nội dung liên quan đến an ninh, chính trị dẫn đến việc chậm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” đối với dự án của Công ty TNHH Hồng Hưng.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Thế nhưng, đến ngày 11/8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn quyết tâm “khai tử” dự án của Công ty Hồng Hưng khi ban hành Quyết định số 2409/QĐ-UBND về việc thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000036 ngày 04/6/2012, điều chỉnh lần thứ 01 ngày 22/8/2013.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty TNHH Hồng Hưng

Tiếp đó, ngày 14/8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã chính thức có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên sau nhiều năm chậm trễ giải quyết.


Ngày 14/8, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ lý do dừng dự án là “không phù hợp quy hoạch”.

Tại văn bản này, lý do thu hồi dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định là do “không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên”.

Vậy nhưng, ai cũng nhận thấy một lý do vô cùng kệch cỡm và trái luật đã được nại ra như vậy bởi dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên của Công ty TNHH Hồng Hưng được phê duyệt trước ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến gần 5 năm, trong khi việc chậm trễ không thể triển khai là do yêu cầu dừng dự án giữa chừng của lãnh đạo tỉnh chứ không phải do năng lực doanh nghiệp yếu hay “không phù hợp với quy hoạch”.

Điều đáng nói nữa, ông Vũ Hồng Bắc đã phớt lờ ý kiến tham mưu cấp dưới khi trước đó, ngày 04/8/2017 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái nguyên đã có Tờ trình số 1830/TTr-SKHĐT báo cáo UBND tỉnh với nội dung: “Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.

Không chỉ phớt lờ cấp dưới, trong văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Văn phòng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thái Nguyên báo cáo “nêu rõ nội dung liên quan đến an ninh, chính trị dẫn đến việc chậm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” đối với dự án của Công ty TNHH Hồng Hưng. Tuy nhiên, trong bản báo cáo ngày 14/8/2017, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khi đó lại “lờ đi”, không hề có một dòng, thậm chí một chữ nào báo cáo về nội dung này.

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi lẽ, việc Tỉnh ủy Thái Nguyên ra Thông báo gửi các cơ quan chức năng rằng Dự án của Công ty Hồng Hưng phải tạm dừng vì “an ninh chính trị” là lý do rất vô lý, gây bất lợi, không rõ ràng đối với doanh nghiệp. Với “điều tiếng” nhạy cảm này, uy tín của doanh nghiệp bị tổn hại trực tiếp. Các đối tác xa lánh không dám làm ăn cùng, thậm chí các sở, ban, ngành cũng không muốn giúp đỡ doanh nghiệp vì sợ vạ lây…

Thanh tra Chính phủ “bóc trần” sai phạm Đề án chống lũ lụt sông Cầu

Khi mà việc giải thích lý do liên quan “đến an ninh, chính trị” bị giấu nhẹm thì những người có quyền lực tại tỉnh Thái Nguyên đã bẻ cong sang một lý do không thể “tối kiến hơn” là“không phù hợp với quy hoạch”.

Trong đó, bên cạnh lý không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035, thì lý do thứ hai được ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND Thái Nguyên đưa ra khi đó báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để bao biện cho việc thu hồi dự án là Dự án không phù hợp với Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên.

Thế nhưng, tại Thông báo Kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP ngày 15/7/2021 của Thanh tra Chính phủ đã bóc trần toàn bộ sai phạm lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tại Đề án này.

Theo đó, Thái Nguyên không chỉ “vượt mặt” Thủ tướng về thẩm quyền đầu tư (Với quy mô và tổng mức đầu tư dự kiến đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua thì theo Luật Đầu tư công, Dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ). Trong Thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện buông lỏng quản lý, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không đúng thẩm quyền…

Nghị quyết số 141/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá 13.

Như giải pháp “chữa cháy” cho các quyết định sai lầm, ngày 12/8/2021, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá 14, đã thông qua Nghị quyết số 141/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc đề xuất Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu và bãi bỏ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 27/10/2017, chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu.

Có thể thấy, từ thời điểm tháng 8/2021, căn cứ để ban hành Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Hồng Hưng đã thiếu đi cơ sơ pháp lý vững chắc.

Tuy nhiên, tréo ngoeo thay, ngày 22/4/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục ban hành văn bản số 1633/UBND-TCD về việc chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 11/8/2017, về thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi dự án của Công ty Hồng Hưng; Ngày 12/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ban hành văn bản số 41/TB-UBND về việc chỉ đạo, đôn đốc các ngành tiến hành phối hợp Thu hồi đất đã giao cho Công ty Hồng Hưng. Các thông báo đã gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp và người lao động trong công ty. Ngoài ra, gây tổn hại rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp vào công lý, lẽ phải đối với việc thực thi pháp luật của cơ quan công quyền, cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Nhất là khi, ông Hồng Sỹ Hưng – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty Hồng Hưng là người thờ cúng liệt sĩ, là gia đình có công với Cách mạng (ông nội của Hồng Sỹ Hưng là cụ Hồng Tôn Cúc được công nhận là liệt sĩ Công an.

Để tránh cho dự án rơi vào thảm cảnh đầu tư, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gần 10 năm của doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ… có chỉ đạo đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên vào cuộc, xử lý, giải quyết dứt điểm khiếu kiện, xem xét, làm rõ các tình tiết mới liên quan đến vụ việc như đã nêu trong Thông báo Kết luận số 1113/TB-TTCP ngày 15/7/2021 của Thanh tra Chính phủ, cũng như làm rõ nguyên nhân dừng dự án vì do “an ninh chính trị”, đồng thời có biện pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Công ty Hồng Hưng – nhà đầu tư dự án.

Trong các ngày 20-21/12/2022, tại kỳ họp thứ 24 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dưới sự chủ trì của đồng chí của Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, quản lý khu công nghiệp, các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; một số cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam.

 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thái Nguyên các nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021 và các ông: Dương Ngọc Long, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ tư, năm 2022 – 2023 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

http://mattran.org.vn/chuong-trinh-phoi-hop/the-le-giai-bao-chi-toan-quoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-lan-thu-tu-nam-2022-2023-44708.html

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích