Thái Nguyên: Ngành Giáo dục và Đào tạo khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo cho học sinh trở lại trường an toàn
(Xây dựng) – Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn 44 trường, học sinh chưa thể tới trường. Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục chỉ đạo các trường khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo các điều kiện an toàn, để 100% học sinh toàn tỉnh sẽ trở lại trường học từ ngày 16/9 tới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Phạm Việt Đức cùng các đồng chí lãnh đạo Sở thăm, động viên học sinh đang ở trong ký túc xá trường THPT chuyên Thái Nguyên những ngày bão lũ. |
Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho tỉnh Thái Nguyên, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, bão lũ đã làm 1 học sinh mầm non 5 tuổi bị chết do lũ cuốn trôi khi đi cùng với người thân qua suối. Thiệt hại về tài sản, cây xanh ước tính khoảng 13 tỷ đồng. Trong đó, riêng cơn bão số 3 làm 17 trường bị thiệt hại về cây xanh (có bóng mát) và hoa màu, 42 trường bị thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, những trận mưa, lũ sau bão đã gây ngập úng thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục với 41 trường, điểm trường bị ngập lụt. Thiệt hại về tài sản cơ sở vật chất: Có 40 trường bị thiệt hại, ước tính tổng giá trị thiệt hại 11 tỷ đồng.
Có những trường bị bão số 3 làm tốc mái hoàn toàn. |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Thực hiện Công điện số 19/CĐ-BGDĐT ngày 11/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Công văn số 5034/UBND-CNN&XD ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tập trung ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưu lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ổn định, đưa các em học sinh trở lại trường theo kế hoạch đã xác định.
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết, mưa lũ phức tạp, nước lũ rút chậm, một số nơi vẫn đang bị ảnh hưởng của lũ như Phú Bình, Phổ Yên nên toàn tỉnh vẫn còn 44 trường, học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng mưa lũ, và khắc phục sau mưa lũ, chiếm 6,7% tổng số trường toàn tỉnh (Trong đó, huyện Phú Bình nhiều nhất 20 trường; thành phố Thái Nguyên 11 trường; thành phố Phổ Yên 10 trường; huyện Phú Lương 3 trường).
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cũng cho biết thêm: Hiện, Sở vẫn tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai đến công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên và phụ huynh học sinh; phối hợp với các phòng, ban, ngành địa phương trong việc rà soát, thống kê thiệt hại, tổ chức cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão đối với các trường, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng nề.
Các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh tích cực dọn dẹp sạch sẽ trường lớp sau khi bị ngập lụt, đảm bảo cho các em học sinh trở lại trường. |
Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục (do thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở rất cao). Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa bảo đảm an toàn.
Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Các điểm trường, các trường gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất cần có phương án di dời học sinh sang khu vực lớp học khác hoặc cho học sinh nghỉ học nếu mất an toàn.
Các trường học bị ngập nước được dọn dẹp sạch sẽ bùn đất, rác… phun tiêu độc, khử trùng đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ trước khi học sinh trở lại trường. |
Bên cạnh đó, bảo đảm cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm và trang thiết bị dạy học cần thiết cho học sinh bị ảnh hưởng; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng vật dụng cần thiết cho học sinh các trường bán trú, nội trú đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh cũng như thống kê thiệt hại đối với trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, để sớm có kế hoạch mua sắm bổ sung, thay thế.
Chỉ đạo các nhà trường phối hợp với cơ quan (quân sự, y tế, đoàn thanh niên…) để vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão, mưa lũ, ngập lụt. Đảm bảo điều kiện an toàn trường học trước khi đón học sinh trở lại trường.
Nguồn: Báo xây dựng