Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số: 2986/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Quyết định nêu rõ đây là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản nhằm quản lý khai thác, sử dụng khoáng sản có hiệu quả kinh tế – xã hội, gắn với bảo vệ môi trường.
Giải pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác khoảng sản đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt. Thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính đối với các mỏ được cấp phép trong kỳ hạn, như: nộp đầy đủ phí bảo vệ môi trường theo sản lượng khai thác, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, kiểm soát ô nhiễm định kỳ và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết. Cùng với đó là sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo tính bền vững, lâu dài, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản tới môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.
Các mục tiêu được đưa ra là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; Nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản; Ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Gắn với đó là các giải pháp cần phải đồng bộ để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2025 như: Kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật liên quan; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch về tài nguyên khoáng sản; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản…
Thái Nguyên là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như: Vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm…
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn (lớn thứ hai thế giới) ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ hai cả nước) tập trung ở các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (thành phố Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)…
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nền nếp, nạn khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản được giữ vững và ổn định…
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, nhất là tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất san lấp…) trái phép ở một số địa phương như: Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công… chưa được xử lý dứt điểm.
Quyết định 2986/QĐ-UBND với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu ngân sách; ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép…
Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương; các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên quy định rõ trong Quyết định này.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị