Thái Nguyên: Khi Nghị quyết của Đảng được “xây” từ lòng dân

Bài 3: Bài học “xây” Nghị quyết

Sâu sát cơ sở, nắm rõ thực tế, cùng bàn bạc tìm giải pháp là một trong những phương châm hành động hiệu quả của lãnh đạo ở Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND xã Văn Yên huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô ngày một nhiều, mặt đường rộng từ 3-3,5m ở nông thôn không đáp ứng yêu cầu, 2 ô-tô không thể tránh nhau được. Trước tình hình đó, người dân một số xóm trong xã tự bảo nhau mở rộng đường lên ít nhất 6m.

Điển hình là tại xóm Núi, tổng số 66 hộ dân đã đồng lòng hiến đất, tháo dỡ 400m tường rào, cổng để mở rộng gần 1,7km đường trục xóm lên 6m. Thấy đường rộng, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, vài xóm khác ở Văn Yên cũng mở rộng giao thông nông thôn lên ít nhất 6m.

Đánh giá thực tiễn, Đảng ủy xã Văn Yên thấy đây là việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, dân là chủ thể, dân làm, dân thụ hưởng. Từ đó, Đảng ủy chúng tôi ban hành nghị quyết chuyên đề về mở rộng đường giao thông trục xóm, liên xóm lên ít nhất 6m để thống nhất ý chí, nội dung, phương thức, cách làm; thành lập ban vận động, chỉ đạo thực hiện, người dân đồng lòng, tự giác hưởng ứng. Do đó, thời gian vừa qua mở đường trục xóm, liên xóm ở Văn Yên trở thành phong trào sâu, rộng, hợp lòng dân”.

Bí thư Huyện ủy Đại Từ Phạm Duy Hùng cho biết: “Mở rộng đường giao thông nông thôn ở Văn Yên là mô hình tốt. Huyện ủy Đại Từ tổ chức khảo sát thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm từ Văn Yên; tham khảo ý kiến các xã, người dân; thảo luận, thống nhất trong cấp ủy, ngày 10/5/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại từ ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn giai đoạn 2023-2025”.

Nghị quyết 07-NQQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ nêu rõ thực trạng, nhu cầu phát triển giao thông nông thôn; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp; cơ chế và tổ chức thực hiện. Việc tổ chức thực hiện bài bản, đó là thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cấp ủy viên phụ trách từng địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên chỉ thời gian ngắn, nghị quyết chuyên đề này đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Huyện ủy Đại Từ tổ chức khảo sát thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm từ Văn Yên; tham khảo ý kiến các xã, người dân; thảo luận, thống nhất trong cấp ủy.

Chỉ sau gần 5 tháng, nhân dân toàn huyện đã hiến 260 nghìn m2 đất, trong đó chỉ tính riêng giá trị công trình và tài sản trên đất người dân đã hiến là gần 42 tỷ đồng, đã mở rộng 133km đường trục xóm, liên xóm lên ít nhất là 6m, vượt xa so tiến độ với nghị quyết đề ra và Huyện ủy Đại Từ đang tính đến việc sửa mục tiêu Nghị quyết 07 theo hướng nâng tỷ lệ mở rộng đường 6m sau mỗi năm.

Theo lãnh đạo huyện Đại Từ, người dân không dễ gì hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, nhất là ở thị trấn, thị tứ trung tâm xã giá đất cao và cũng thật khó khăn khi phải phá dỡ hàng rào, cổng được xây dựng đẹp đẽ, kiên cố, đã gắn bó với gia đình nhiều năm mà không được bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và với tinh thần người dân là chủ: Dân biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát và thụ hưởng nên người dân đồng tình hưởng ứng, hiến đất, phá dỡ công trình. Điều này cho thấy, khi ý cấp ủy hợp lòng dân, phù hợp với nhu cầu của dân thì việc khó mấy cũng làm được.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh sức mạnh của lòng dân. Không một kẻ thù nào, không có một thành lũy kiên cố nào vững chắc bằng “lòng dân” và không một vũ khí hiện đại nào thắng được sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Một khi, “lòng dân” đã thuận thì sẽ tạo thành sức mạnh vô song, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có hùng mạnh, xảo quyệt đến đâu cũng bị thất bại.

Bài học từ sức mạnh của “lòng dân” cho thấy, “lòng dân” là pháo đài kiên cố, là tường thành vững chắc, là vũ khí sắc bén nhất để bảo vệ chế độ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và tự chủ của đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí minh vĩ đại, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã nhắc nhở: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cho thấy ở mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải học theo Bác, biết coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, theo tư tưởng của Bác để “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền…”.

Người dân Đại Từ tự nguyện hiến đất, xây lại tường rào và các công trình.

Nghị quyết lãnh đạo là văn kiện chính trị trọng yếu của các cấp bộ đảng từ cơ sở đến Trung ương. Nội dung chủ yếu của nghị quyết lãnh đạo bao gồm: đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo của chi uỷ, chi bộ, đảng bộ trong nhiệm kỳ, quý hoặc tháng trước; đánh giá tình hình, xác định phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo cho nhiệm kỳ, quý hoặc tháng tiếp theo; phân công nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác lãnh đạo.

Chính vì vậy, công tác xây dựng nghị quyết luôn là khâu trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ các cấp. Chất lượng nghị quyết lãnh đạo liên quan mật thiết đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trên tất cả các mặt công tác.

Khi có được nghị quyết lãnh đạo sát, đúng, có phân công, phân nhiệm cụ thể và các giải pháp thực hiện đồng bộ, nhất định chất lượng cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sẽ có bước tiến vững chắc và khắc phục được cơ bản tình trạng tồn tại yếu kém.

Huyện ủy Đại Từ đã triển khai phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên tất cả các xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Yên, cho biết: Cái khó của Văn Yên khi cải tạo, nâng cấp đường giao thông là các tuyến đường trong khu dân cư đều đã định hình từ lâu, nhà ở và công trình dân dụng bám sát mặt đường. Do đó, đa số diện tích đất cần hiến để mở rộng đường đều là thổ cư, có giá trị lớn. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chúng tôi quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận. Trong suốt quá trình mở đường, cán bộ, đảng viên là những người đóng góp trước, gương mẫu để quần chúng noi theo. Các thông tin về kế hoạch mở rộng đường giao thông cũng được thông báo rộng rãi qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân…

Đánh giá thực tiễn, thấy đây là việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên tất cả các tuyến đường xóm, liên xóm tại các xã, thị trấn, thể hiện ở Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 10/5/2023 của Huyện ủy Đại Từ.

Khi Nghị quyết chuyên đề vừa ban hành, các xã, thị trấn trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai cụ thể hóa.

Ông Đỗ Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Nê, kể lại: Ngay sau khi có Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ, giữa tháng 5/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn xã Cát Nê, giai đoạn 2023-2025, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Từ một vài tuyến đường mở rộng ban đầu, dần dần phong trào đã lan rộng ra 13/13 xóm, có xóm mở rộng đến 5 tuyến đường.

Tại xã An Khánh, để hoàn thành các công trình, gần 350 hộ dân trong xã đã hiến đất với tổng diện tích trên 17.300m. Từ đây, xã đã mở rộng được trên 10.800m đường giao thông trục xóm, trục xã.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản người dân đồng thuận cao với chủ trương, đoàn kết, hăng hái tham gia phong trào. Đây là điều kiện thuận lợi để xã hoàn thành tiêu chí giao thông và sớm “về đích” xã nông thôn mới nâng cao.

Ở các địa phương khác, phong trào mở đường cũng đang tiếp tục lan tỏa, được nhân dân hưởng ứng cao. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải phóng mặt bằng mở rộng nền đường đạt cao như: Xã Văn Yên, thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Quân Chu…

Hiện, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Là 1 điểm sáng trong thu hút FDI. 

Bật mí về “bí quyết” thành công của phong trào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Mạnh Hoạt cho biết: Có nhiều yếu tố khiến Nghị quyết 07 nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thứ nhất phải kể đến là việc xây dựng và ban hành Nghị quyết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể. Thứ hai, Nghị quyết được triển khai tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn huyện; cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đều vào cuộc, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện. Thứ ba, sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm, ban công tác mặt trận không quản ngày đêm để đưa Nghị quyết đến từng hộ dân, tạo lòng tin đối với nhân dân để rồi lan tỏa ra toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải từng chia sẻ: Dù ở cấp nào thì nghị quyết vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở cấp cơ sở, nghị quyết vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể nội dung, biện pháp lãnh đạo, xác định chỉ tiêu phù hợp đặc điểm thực tiễn…Cần tránh tình trạng nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy đảng cấp dưới có nội dung tương tự như nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, hoặc có chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo giống như sắp xếp lịch công tác cho cán bộ chủ chốt địa phương, đơn vị… Làm như vậy, nghị quyết sẽ chỉ nằm trên giấy, mà vai trò của cấp ủy cũng sẽ bị lu mờ.

Thực tế và quá trình xây dựng Nghị quyết của Đảng ở Thái Nguyên đã và đang chứng minh để có chủ trương đúng đắn và thành công phải được xây dựng trên nền tảng hướng đến hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân từ cơ sở khi người dân là chủ thể, dân được làm, dân được thụ hưởng, dân được kiểm tra./

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích