Thái Nguyên: Khai thác tiềm năng vùng chè La Bằng với phát triển du lịch
(Xây dựng) – Sản phẩm chè La Bằng từng được chọn làm quà tặng của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Phát huy những lợi thế sẵn có, kết hợp vùng sản xuất chè với phát triển du lịch, xã La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tham quan, trải nghiệm thực tế sáng tác tại vùng chè La Bằng. |
Xã La Bằng nằm ở phía Tây Bắc của huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện khoảng 11 km, tổng diện tích tự nhiên 2.231ha. Nguồn thu nhập chính của người dân địa phương là từ cây chè, trồng lúa và chăn nuôi. Trên địa bàn xã có quần thể di tích lịch sử văn hoá gồm 04 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đáng chú ý nhất là di tích địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên (năm 1936).
Khu du lịch suối Tiên Sa có diện tích khoảng trên 1.000ha thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn của xã La Bằng. Với đặc trưng là rừng nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh tốt. Suối Tiên Sa có quần thể động, thực vật phong phú, gồm rất nhiều loài cây và thú quý hiếm. Trong đó có nhiều loài hiện còn sinh sống không nhiều trên lãnh thổ nước ta đó là cá cóc (còn gọi là tắc kè nước), hệ thống thực vật cũng rất phong phú, đa dạng.
Khi càng khám phá vào phía trong, khách sẽ bắt gặp nhiều loại thực vật như: Thông, sấu, nhội, chuối rừng; nếu đi xa hơn có thể tận mắt ngắm những cây trò chỉ, cây gội, dổi cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với chiều cao trên 50m, đường kính từ 1-3m. Tại đây có rất nhiều điểm tham quan lý thú như: Vực Kẹm, vực Thẳm, Bàn Cờ Tiên, Chuôm, Hả Hai, Voi Rắt, Đá Hầm, Ba Luồng, Thác Trắng… Đá Hầm là nơi du khách có thể đi dã ngoại và ngủ qua đêm trong những hầm đá, trước đây là nơi trú ngụ của Sơn Dương.
Bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng chia sẻ: La Bằng là vùng đất có địa hình đẹp, ven sườn Đông dãy núi Tam đảo, nên có khí hậu, thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi cho cây chè phát triển; đặc biệt là nguồn nước đầu nguồn từ Tam Đảo mang lại chất lượng thơm ngon khác biệt cho sản phẩm của chè La Bằng. Gần đây, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến đây để thưởng thức chè đặc sản và du lịch trải nghiệm tại các đồi chè và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của suối Kẹm.
Suối Kẹm với vẻ đẹp hoang sơ, nguồn nước trong mát bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo là địa điểm hấp dẫn cho du khách tới tham quan, khám phá. |
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đại Từ cần tập trung đầu tư vào một số loại hình du lịch chủ yếu: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch cộng đồng gắn với trồng, chế biến chè và văn hóa trà. Quy hoạch các khu, điểm sinh thái có tiềm năng phát triển du lịch như suối Kẹm; mở rộng khu di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên tại xóm Lau Sau; di tích Cục tình báo tại xóm Đồng Tiến; di tích chòi Đầm Then tại xóm Đồng Đình; di tích xưởng quân giới xóm Tân Sơn.
Đồng thời, lập dự án phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp; quảng bá, xúc tiến thương mại phát triển du lịch cộng đồng, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, tham quan trải nghiệm đồi chè,… lựa chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng, trọng tâm là các sản phẩm chè đặc sản.
Với những thuận lợi về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng mà thiên nhiên ban tặng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, đặc biệt là nhận thức của người dân, sự tiếp cận nhanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, La Bằng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách đến nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm…
Nguồn: Báo xây dựng