Thái Nguyên: Đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Xã Văn Lăng có vị trí địa lý nằm ở phía Nam của huyện Đồng Hỷ, với mật độ dân số là 5.493 người, với 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yến là đồng bào dân tộc người Mông. Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thế nhưng, với bản chất chịu khó, cầu tiến bộ, không chịu khuất phục trước khó khăn hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông đã biết khắc phục khó khăn, đưa nước sạch từ dãy núi Khe Tiên về phục vụ đời sống sinh hoạt.

Anh Lăng Văn Hiền người đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm Tân Lập, xã Văn Lăng rất vui mừng khi gia đình được sử dụng nước sạch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, anh Lăng Văn Hiền người đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm Tân Lập, xã Văn Lăng cho biết: “Trước đây, người dân chúng tôi sử dụng hai nguồn nước để sinh hoạt, bà con thường dùng nước trong giếng tự đào nhưng nguồn nước này thường hay có màng và không được trong. Để đảm bảo sức khỏe, nhiều năm nay bà con nơi đây đã chủ động dẫn nước sạch từ dãy núi Khe Tiên về để phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh hoạt. Nguồn nước này rất trong, sạch, không có mùi hôi nên gần như đồng bào chúng tôi nơi đây rất ít hộ còn sử dụng nước từ giếng đào”.

Nước sạch được dẫn từ dãy núi Khe Tiên về trụ sở UBND xã Văn Lăng.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng – ông Trương Công Hiền cho biết: Trên địa bàn xã có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Từ nhiều năm trước, bà con đã biết lấy nước từ trên núi về để phục vụ ăn uống và sinh hoạt. Nguồn nước từ dãy núi Khe Tiên tương đối đảm bảo, nước rất trong và sạch, không có mùi hôi. Hiện nay, nước sạch lấy từ trên núi đã được triển khai đến 8 xóm trên địa bàn xã.

“Với mong muốn người người, nhà nhà được sử dụng nước sạch trong đời sống sinh hoạt, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch để triển khai dẫn nước sạch đến những khu vực còn lại trên địa bàn” – Ông Trương Công Hiền thông tin.

Bạn cũng có thể thích