Thái Nguyên: Điều chuyển vốn các dự án đầu tư công không đảm bảo tiến độ
(Xây dựng) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh so với kế hoạch vốn đã giao cũng như kịp thời phát huy hiệu quả vốn đầu tư công năm 2022.
Thái Nguyên là điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công có hiệu quả năm 2021. |
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thái Nguyên có kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 đạt 76,02% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước có kết quả giải ngân cao nhất.
Có được kết quả đó là do Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý điều hành ngân sách, phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu năm 2022, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Chính phủ cũng như bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để tổ chức, triển khai hiệu quả, đúng quy định; xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đã đề ra, nhất là những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 của các chủ đầu tư dự án, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, theo thẩm quyền của UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên, hiện nay đang có 5 cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân bằng 0% là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường. 2 đơn vị có tiến độ giải ngân bằng 1% là Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và một số đơn vị giải ngân thấp dưới 40%. Những trường hợp này sẽ là đối tượng để tỉnh xem xét điều chuyển vốn.
Đối với các dự án ODA phải hủy, điều chỉnh, gia hạn sử dụng vốn dư, tỉnh cũng giao cơ quan chuyên môn tham mưu để đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 trong trường hợp các dự án của tỉnh không có khả năng hoàn thành khối lượng, không có khối lượng để bổ sung theo phương án điều chuyển kế hoạch nội bộ giữa các dự án.
Riêng đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng; giám sát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, nhà thầu, đảm bảo thực hiện các dự án được thông suốt; xử lý dứt điểm khó khăn của các dự án đầu tư, kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền để có biện pháp xử lý; đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán các hạng mục công trình hoàn thành, phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công được giao năm 2022.
Các Sở, ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện tốt kế hoạch vốn; kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án và giải ngân; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định trình phê duyệt dự án; Kho Bạc Nhà nước Thái Nguyên thực hiện nhanh chóng các thủ tục giải ngân, thanh toán vốn; kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng theo chế độ quy định.
Nguồn: Báo xây dựng