Thái Nguyên: Đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm
(Xây dựng) – Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thái Nguyên mà các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến nay đã được chủ đầu tư và các nhà thầu thi công duy trì cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng thường xuyên xuống công trường, chỉ đạo, kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. |
Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới trên 1.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng địa phương tự cân đối). Đến nay, đã hoàn thành 4/9 hạng mục công trình và đang gấp rút triển khai thi công 05 hạng mục công trình còn lại, giá trị khối lượng hoàn thành đạt từ 75 – 95% giá trị thực hiện gói thầu. Dự kiến, trong tháng 9/2023 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án.
Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 4.204 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 42,55km, bao gồm tuyến chính dài 36,51km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh 216 dài 6,04km. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 86,32%, (địa bàn thành phố Phổ Yên đạt 85,9%; địa bàn huyện Đại Từ đạt 87,6%); đã triển khai thi công đào đắp được 33,85/42,55km; 8/11 cầu, 15/28 hầm chui dân sinh với giá trị thi công xây lắp đạt khoảng 15,71% giá trị hợp đồng. Để đảm bảo tiến độ thi công, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công tiếp tục tăng cường huy động lực lượng, thiết bị và tổ chức thêm các mũi thi công, đồng thời chủ đầu tư phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 699,3 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng đạt 83,6% và đang triển khai 2 gói thầu thi công xây lắp (trong đó, có thi công 2 cầu trên tuyến, giá trị xây lắp đạt khoảng 4% hợp đồng). Đối với dự án này, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Bình đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tiếp tục chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo quy định.
Dự án xây dựng sân vận động tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 535,99 tỷ đồng. Đến nay, đã giải phóng mặt bằng được 10,04/15,47ha; đang triển khai thực hiện thi công các hạng mục san nền, đường giao thông tuyến chính và tuyến hoàn trả; còn 2 hộ chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, 14/27 hộ có nhà trên đất đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Trong thời gian tới, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu xây lắp của dự án theo kế hoạch.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên (Dự án I) với tổng mức vốn đầu tư trên 921 tỷ đồng (trong đó, vốn vay ODA của JICA là hơn 712 tỷ đồng). Hiện nay, đã lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án và tổ chức rà soát lại các phương án thiết kế. Dự kiến trong quý III/2023, đoàn khảo sát của JICA thẩm định dự án làm cơ sở để ký kết hiệp định.
Dự án đường vành đai V, đoạn qua huyện Phú Bình, Thái Nguyên giai đoạn 1 đang duy trì đảm bảo tiến độ, chất lượng. |
Nhờ duy trì và đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm đã góp phần quan trọng vào việc giải ngân vốn đầu tư công của Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2023, cụ thể: Tính đến thời điểm 31/5/2023, trên địa bàn tỉnh thực hiện giải ngân 1.763,3 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 22,4% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 20,6% kế hoạch địa phương giao. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định là 85.118/ 262.695 triệu đồng đạt 32,4% kế hoạch.
Ước tính đến hết ngày 30/6/2023, toàn tỉnh giải ngân được khoảng 3.010 tỷ đồng vốn đầu tư công đạt 38,3% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 35,2% kế hoạch địa phương giao. Theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp gặp khó khăn thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả để thúc đầy tăng trưởng kinh tế, do vậy UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần tiếp tục chủ động, tích cực và quyết liệt trong công tác triển khai, thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh cũng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công.
Nguồn: Báo xây dựng