Thái Nguyên: Chuẩn bị đấu giá quyền khai thác đối với 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp

(Xây dựng) – Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong hoạt động khoáng sản; đồng thời lựa chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để đảm bảo thực hiện dự án; ngày 8/8 UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác đối với 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn.

Thái Nguyên: Chuẩn bị đấu giá quyền khai thác đối với 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp
Bên cạnh việc thiếu vật liệu san lấp, việc quản lý đất đai tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo.

Tại tỉnh Thái Nguyên từ năm 2015 trở lại đây, tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng, hạ tầng diễn ra nhanh chóng, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp tăng mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc thiếu vật liệu san lấp cục bộ, việc quản lý đất đai tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo nên có tình trạng trà trộn, sử dụng đất san lấp không rõ ràng về nguồn gốc.

Trước những bất cập, không hợp lý trong vấn đề cấp phép mỏ đất san lấp, tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành chức năng xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng: Bỏ đất san lấp ra ngoài danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc sửa đổi, bổ sung, có hướng dẫn riêng, đơn giản hóa về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép khai thác đất san lấp.

Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong hoạt động khoáng sản; lựa chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để đảm bảo thực hiện dự án làm vật liệu xây dựng; ngày 8/8 UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác đối với 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn.

Cụ thể, 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp được tỉnh Thái Nguyên quyết định đấu giá quyền khai thác gồm: Mỏ đất san lấp tổ dân phố Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai; Mỏ đất san lấp xóm Khuôn Vạc, xã La Hiên, huyện Võ Nhai; Mỏ đất san lấp thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa (khu 1 và khu 2); Mỏ đất san lấp xã Phúc Chu, huyện Định Hóa; Mỏ đất san lấp xã Phú Tiến, huyện Định Hóa; Mỏ đất san lấp xã Phủ Lý, huyện Phú Lương; Mỏ đất san lấp xóm Quyết Tiến, Quyết Thắng xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; Mỏ đất san lấp Đồi Đá Xô, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương; Mỏ đất san lấp xóm Đồn, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ; Mỏ đất san lấp tại xã Bàn Đạt, xã Tân Khánh (khu 1, khu 2, khu 3, khu 4) huyện Phú Bình; Mỏ đất san lấp xã Tân Thành, huyện Phú Bình (khu 1 và khu 2); Mỏ đất san lấp xóm Tân Yên, xã Tân Thành và xóm Đèo Khê xã Tân Kim, huyện Phú Bình; Mỏ đất san lấp xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình; Mỏ đất san lấp xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (khu 1 và khu 2); Mỏ đất san lấp xã Cù Vân, huyện Đại Từ (khu 1 và khu 2); Mỏ đất san lấp thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ – khu 2; Mỏ đất san lấp tổ dân phố Hương Sơn, phường Châu Sơn, thành phố Sông Công (khu 1 và khu 2); Mỏ đất san lấp Núi Măn, tổ dân phố Hương Sơn, phường Châu Sơn, thành phố Sông Công; Mỏ đất san lấp xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận và Mỏ đất san lấp xóm Đèo Nứa xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên: Các khu vực đất làm vật liệu san lấp được lựa chọn đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải phù hợp với Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; Phương án quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cách thức đấu giá sẽ thực hiện theo Điều 42 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá với phương thức trả giá lên.

Thời gian tổ chức đấu giá 22 mỏ đất nói trên thực hiện trong năm 2023. Trường hợp trong năm 2023, chưa thực hiện đấu giá hết các khu vực đã được phê duyệt tại kế hoạch này, thì khu vực còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích