Thái Nguyên: Chú trọng phát triển văn hóa – nghệ thuật

(Xây dựng) – Nhằm có định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển văn hóa – nghệ thuật trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động lớn của bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều mục tiêu lớn cho giai đoạn 2021 – 2025.

thai nguyen chu trong phat trien van hoa nghe thuat
Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật: Nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của tỉnh Thái Nguyên.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thực hiện có hiệu quả, nhất là huy động các nguồn lực xã hội tham gia. Các chỉ tiêu thực hiện đều vượt kế hoạch đề ra: Có 13/8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 43/40 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 12/8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Thái Nguyên tổ chức có hiệu quả các hoạt động triển lãm, trưng bày sách, hội thi về sách phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; tuyên truyền giới thiệu sách, cấp sách, luân chuyển sách cho các địa phương, cơ sở, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng kháng chiến. Hiện, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh gồm có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện; 33 thư viện xã; 148 phòng đọc cơ sở và 2 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; 178 điểm bưu điện – văn hóa xã có phục vụ nhu cầu đọc sách báo…

Hoạt động văn học nghệ thuật, biểu diễn đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách. Hằng năm, dàn dựng từ 1 – 2 chương trình mới; đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Có 4 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, nâng tổng số Nghệ sỹ Ưu tú đang hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật của tỉnh là 11 người; có 11 nghệ nhân, 1 Nghệ sỹ Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan, nhưng đánh giá chung, công tác tuyên truyền, hoạt động nghệ thuật biểu diễn của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn hạn chế trong việc khai thác giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Chất lượng dịch vụ văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế. Công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di tích lịch sử văn hóa còn khó khăn. Công năng sử dụng của bảo tàng tỉnh, thư viện tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; rạp chiếu phim chưa được đầu tư thiết bị hiện đại; trung tâm văn hóa nghệ thuật chưa được đầu tư đầy đủ các hạng mục theo thiết kế để phục vụ các sự kiện của tỉnh…

Trước thực tế đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã thông qua Chương trình Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, nhiều mục tiêu lớn cho phát triển văn hóa – nghệ thuật đã được đề ra.

Cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa, gia đình: Lập hồ sơ khoa học và trình xếp hạng 10 -12 di tích quốc gia, 50 – 60 di tích cấp tỉnh; 50 – 60 di tích được tu bổ, tôn tạo; 10 – 12 di sản văn hoá phi vật thể được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Hằng năm, bổ sung 15% bản sách tài liệu có chất lượng cho hệ thống thư viện; tăng 30% số lượt bạn đọc; 29% số bản sách luân chuyển xuống cơ sở. Hằng năm, tổ chức các buổi chiếu phim, chương trình nghệ thuật tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và phục vụ đối tượng chính sách, nhiệm vụ chính trị; Phấn đấu toàn tỉnh có 90% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 80% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, xóm, tổ dân phố văn hoá; 90% cơ quan, đơn vị, DN được công nhận đạt danh hiệu cơ quan văn hóa; 100% xã, phường có Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; 50% thôn, xóm, tổ dân phố có câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Phấn đấu có 50 – 60% thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 70 – 80% Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông, Thư viện cấp huyện; 80 – 90% Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định; 100% số thôn, xóm, tố dân phố hoặc liên thôn, xóm, tổ dân phố có Nhà văn hóa (trong đó có 80 – 90% Nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL); 100% khu công nghiệp có quỹ đất, 50% khu công nghiệp xây dựng được Trung tâm Văn hóa – Thể thao phục vụ công nhân và người lao động; có 5 điểm vui chơi cho trẻ em được đầu tư…

Các dự án: Xây dựng Thư viện và Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh sẽ được sửa chữa hoặc xây mới sau khi dự án khu vực hỗn hợp cơ quan hành chính kết hợp với không gian đi bộ và dịch vụ thương mại tại trung tâm thành phố Thái Nguyên thực hiện.

Với Nghị quyết Hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn sẽ gồm các dự án thành phần như: Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, năng lực cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng và trong hệ thống trường học; Hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng truyền thống theo mô hình bảo tàng sinh thái để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững; Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên; Trùng tu, tôn tạo di tích được xếp hạng…

Như vậy với việc chú trọng đầu tư phát triển văn hóa xã hội, tỉnh Thái Nguyên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/8/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII; từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa, con người một cách toàn diện, tạo động lực và nền tảng sớm xây dựng Thái Nguyên xứng với trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích