Thái Nguyên: Cần khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý khai khoáng
(Xây dựng) – Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018.
Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là một trong những dự án khai thác khoáng sản lớn của quốc gia có địa chỉ tại xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tổng trữ lượng khai thác của mỏ này là hơn 83 triệu tấn quặng trong 30 năm. Các sản phẩm chính của mỏ Núi Pháo là: Vonfram, fluorit, bismut và các sản phẩm đi kèm là đồng và vàng. Theo nội dung giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) được thực hiện dự án mỏ đa kim Núi Pháo trong thời gian 30 năm (kể từ 2004) với tổng diện tích khu mỏ là 921ha. Công suất thiết kế của nhà máy lên tới 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Núi Pháo còn được đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới khi chiếm 33% tổng sản lượng toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc). Trữ lượng quặng ở đây có thể cho phép duy trì khai thác trong khoảng 16 năm, mỗi năm sản lượng vonfram do mỏ này sản xuất ra có thể chiếm gần 7% tổng sản lượng vonfram toàn cầu. Sau khi đi vào hoạt động, Công ty Núi Pháo cũng trở thành nhà cung cấp, chế biến sâu vonfram lớn nhất thế giới và cũng được kỳ vọng trở thành hình mẫu của ngành Khai khoáng Việt Nam.
Dự án quan trọng là vậy nhưng từ khi đi vào khai thác, dự án liên tục bị người dân sinh sống tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ khiếu kiện, dùng các biện pháp ngăn cản hoạt động của công ty do việc gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn… Trước những bức xúc của nhân dân và dư luận kéo dài, năm 2017, theo đề nghị của tỉnh Thái Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc thanh tra toàn diện dự án trong vòng 45 ngày và phát hiện hàng loạt sai phạm trên cả 4 lĩnh vực được thanh tra là khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xử phạt Công ty Núi Pháo số tiền hơn 500 triệu đồng và yêu cầu khắc phục các sai phạm và tổ chức giám sát việc khắc phục sai phạm.
Hồ chứa nguồn thải tại dự án Núi Pháo được kết luận không chống thấm theo quy định tại Kết luận Thanh tra số 2065/KL-BTNMT ngày 27/4/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Chưa dừng lại ở đó, mới đây Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ký Kết luận Thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên gia đoạn 2010-2018 tiếp tục chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này.
Cụ thể: Kết luận Thanh tra cho biết, diện tích 19,72ha được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho Công ty Núi Pháo nhưng đến nay chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 11 hộ gia đình, cá nhân.
Diện tích hơn 46ha được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho công ty từ năm 2007 không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng theo quy định.
66ha được tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho doanh nghiệp từ năm 2009 nhưng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nằm ngoài quy hoạch của dự án nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để trả lại đất.
Gần 3ha đất nông nghiệp của 50 hộ gia đình, cá nhân được thuê để sử dụng làm kho hàng và bãi để xe phục vụ cho hoạt động của công ty không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
Diện tích hơn 21ha thuộc xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng (khoảng 217 hộ gia đình, cá nhân) chưa thực hiện thủ tục quy hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, diện tích 1,5ha của 26 hộ gia đình, cá nhân thuộc xóm 2, xã Hà Thượng chưa hoàn thiện thủ tục quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, tại mỏ vonfram đa kim Núi Pháo (xã Hùng Sơn và xã Hà Thượng, huyện Đại Từ), việc xác định tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 500/QĐ-BTNMT ngày 4/3/2015, do ông Nguyễn Văn Thuấn ký (thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường) mới tính phần khai thác lộ thiên 55.192.000 tấn, không tính phần trữ lượng khai thác bằng phương pháp hầm lò 28.028.000 tấn trong khu vực khai thác 90ha là chưa phù hợp khoản 2 Điều 3 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013, có nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước. Riêng sản phẩm tinh quặng vàng do công ty chưa lắp đặt dây chuyền chế biến, đang kê khai tạm nộp phí bảo vệ môi trường của sản phẩm khoáng sản kim loại khác là vi phạm khoản 4 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 về nguyên tắc hoạt động khoáng sản.
Ngoài ra, quá trình thanh tra còn làm rõ, tại dự án khai thác chế biến thiếc – bismut Tây Núi Pháo (thuộc xã Hùng Sơn và Hà Thượng, huyện Đại Từ), Công ty CP Kim Sơn bắt đầu khai thác ngày 1/7/2012 khi chưa được cơ quan thẩm quyền giao đất là vi phạm khoản 3 Điều 94 Luật Đất đai năm 2003.
Việc Công ty CP Kim Sơn kê khai sản lượng năm 2013 và 2014 áp dụng mức phí 50.000 đồng/tấn không đúng với mức phí phải nộp 180.000/tấn theo loại khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác là vi phạm khoản 3 Điều 1 Thông tư 158/2011/TT-BTC ngay 16/11/2011 của Bộ Tài chính. Chênh lệch số tiền phí bảo vệ môi trường công ty còn phải nộp là 1.739.581.000 đồng.
Còn tại dự án mỏ thiếc Đông Núi Pháo (xã Cù Vân, huyện Đại Từ), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, từ tháng 7/2015 đến nay, doanh nghiệp chưa thực hiện làm các thủ tục để cấp có thẩm quyền giao và cho thuê đất; chưa thực hiện khai thác mỏ. Công ty còn nợ đọng số tiền 1.041.981.372 đồng gồm: Tiền cấp quyền khai thác là 172.835.000 đồng; tiền ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường là là 869.146.372 đồng.
Nhà máy chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo. |
Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây ra các sai phạm trong từng lĩnh vực cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên khẩn trương tổ chức thực hiện, khắc phục các nội dung vi phạm về đất đai và môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trong Kết luận số 2065/KL-BTNMT tại dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo do Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo làm chủ đầu tư.
Đồng thời kiến nghị, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại các vấn đề có liên quan về trữ lượng, việc cấp phép khai thác hầm lò tại mỏ Núi Pháo; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cả về giá, cả về trữ lượng và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên.
Các nội dung liên quan đến các sai phạm tại dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo do Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo làm chủ đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, cần sớm được khắc phục triệt để, tránh để lặp lại, kéo dài gây mất niềm tin và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hoạt động của dự án khoáng sản lớn nhất Việt Nam như mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên.
Nguồn: Báo xây dựng