Thái Nguyên: Bảo đảm an toàn trong quản lý cây xanh đô thị

(Xây dựng) – Thực hiện Văn bản số 4518/BXD-HTKT ngày 10/8/2024 của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm an toàn trong quản lý cây xanh đô thị, góp phần đảm bảo yếu tố môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Thái Nguyên: Bảo đảm an toàn trong quản lý cây xanh đô thị
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu trồng mới 7 triệu cây xanh.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 12 đô thị, trong đó có 3 đô thị cấp tỉnh, 9 đô thị cấp huyện. Những năm qua, cùng với việc tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Đến nay, hầu hết các tuyến đường đô thị trên địa bàn tỉnh đều được trồng cây xanh theo quy hoạch. Việc chăm bón, cắt tỉa, bảo vệ cây xanh được tổ chức thực hiện định kỳ tạo bóng mát và mỹ quan đô thị…

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh phát triển hệ thống không gian xanh tỉnh Thái Nguyên nhằm cải thiện môi trường sống, vật chất tinh thần, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí và đi lại đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và du khách. Bảo vệ và phát triển hệ thống không gian xanh, giữ gìn cân bằng sinh thái, cải thiện điều kiện vi khí hậu, vệ sinh môi trường phát huy vai trò “lá phổi xanh” của tỉnh Thái Nguyên. Xanh hóa cảnh quan, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới đô thị xanh. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng sống, Hạn chế tác hại của thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu trồng mới 7 triệu cây xanh trong đó, sẽ trồng khoảng 5 triệu cây xanh phân tán gồm cây xanh đô thị và cây xanh nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.

Cùng với việc chú trọng trồng cây, công tác quản lý cây xanh đô thị cũng luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản quy định về phân cấp, quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ công viên, cây xanh trong dự án theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Thái Nguyên: Bảo đảm an toàn trong quản lý cây xanh đô thị
Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có tổng số hơn 4.200 cây xanh trên các tuyến đường chính, chưa kể đến các ngõ và đường dân sinh. Hàng năm, thành phố có kế hoạch cắt tỉa khoảng 400 cây xanh mùa mưa bão.

Mới đây, để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn trong quản lý cây xanh đô thị, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố: Tổ chức kiểm tra, cập nhật thông tin về tình hình sinh trưởng, phát triển của hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn, trong đó chú trọng đến các cây xanh có kích thước lớn (rễ, thân, cành, tán lá) nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời (đốn hạ, trồng thay thế, cắt tỉa) các cây xanh không đảm bảo an toàn.

Cung cấp các thông tin của cá nhân, đơn vị phụ trách lĩnh vực cây xanh trên địa bàn để kịp thời giải đáp, phản hồi thông tin, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy trên địa bàn quản lý.

Kiểm tra, giám sát thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn và không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây; đặc biệt chú ý công tác gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng, đổ khi có gió lớn.

Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thành phố; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên; các cơ quan, đơn vị; các chủ đầu tư dự án: Chỉ đạo các đơn vị thi công, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: Cải tạo vỉa hè, hệ thống rãnh thoát nước, đường điện, cáp thông tin, đường ống nước sạch…) và các công trình xây dựng khác có hệ thống cây xanh đô thị hiện hữu có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức được phân cấp quản lý hệ thống cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và sự an toàn về cây xanh trước khi triển khai xây dựng, sửa chữa công trình.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích