Thái Lan thành lập trung tâm quốc gia ứng phó với lũ lụt

Thái Lan thành lập trung tâm quốc gia ứng phó với lũ lụt

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã ra lệnh thành lập một trung tâm quốc gia để theo dõi tình hình lũ lụt trên cả nước, cũng như hai cơ quan mới để điều phối các nỗ lực ứng phó lũ lụt và phục hồi sau lũ lụt.

Thủ tướng Paetongtarn cho biết sẽ triệu tập cuộc họp để thành lập trung tâm cứu hộ nạn nhân lũ lụt quốc gia, ủy ban chỉ đạo các nỗ lực ứng phó lũ lụt chính thức và một ủy ban khác theo dõi tình hình lũ lụt, lở đất.

Một nguồn tin tại Tòa nhà Chính phủ cho biết Thủ tướng sẽ yêu cầu các cơ quan nhà nước tham gia cuộc họp để bàn cách xử lý tình hình tốt hơn. Nguồn tin cho biết đích thân Thủ tướng sẽ giữ chức Chủ tịch Trung tâm cứu hộ nạn nhân lũ lụt.

Theo Cục Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, kể từ ngày 16/8, khoảng 130.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Bắc, Đông Bắc và một phần đồng bằng miền Trung Thái Lan.

Các tỉnh bị ảnh hưởng bao gồm Chiang Rai, Mae Hong Son, Nan, Tak, Sukhothai, Phitsanulok, Phetchabun, Nong Khai, Loei, Ang Thong, Ayutthaya và Prachin Buri.

tm-img-alt
Một khu vực rộng lớn tại tỉnh Nong Khai (Thái Lan) đã ngập lụt do nước sông Mekong tràn bờ. Ảnh: The Nation

Theo Cục Khí tượng, Viện Tin học Thủy văn và Cơ quan Phát triển Công nghệ Vũ trụ và Tin học Địa lý, tình hình dự kiến sẽ còn xấu đi hơn nữa với lượng mưa nhiều hơn trong hai tuần tới.

Bà Paetongtarn cũng nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn đến các tình nguyện viên cũng như các nhân viên cứu hộ thuộc chính phủ và phi chính phủ đang nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt trên khắp đất nước. Bà cho biết các kế hoạch ứng phó lũ lụt và phục hồi sau lũ lụt bổ sung sẽ được thảo luận tại cuộc họp nội các vào ngày 17/9.

Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul ngày 15/9 đã chủ trì cuộc họp của Bộ Tư lệnh quản lý thảm họa quốc gia, với sự tham dự trực tuyến của tỉnh trưởng 76 tỉnh trên toàn quốc.

Tại cuộc họp, ông Anutin cho biết một số tỉnh ở miền Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng miền Trung vẫn đang phải đối mặt với lũ lụt đáng kể. Các tỉnh dọc sông Mekong nói riêng ở vùng Đông Bắc đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng khi mực nước sông tiếp tục dâng cao.

Nhấn mạnh công việc khắc phục sau lũ lụt đòi hỏi rất nhiều kinh phí, Phó Thủ tướng Anutin cũng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các tổ chức hành chính địa phương đẩy nhanh việc khảo sát các khu vực bị ảnh hưởng để tính toán thiệt hại và hỗ trợ tài chính cần chuẩn bị để phân phát cho các nạn nhân lũ lụt.

Ông cũng đề nghị các địa phương bị ảnh hưởng cân đối lại ngân sách để có thêm nguồn lực cho những nỗ lực cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tờ The Nation (Thái Lan) dẫn lời các quan chức và người dân địa phương cho biết, nước sông Mekong bắt đầu tràn bờ vào khoảng 7 giờ 15 sáng, gây ngập lụt nhiều khu vực rộng lớn của tỉnh.

Chính quyền địa phương đã điều động thuyền kiểm tra các khu vực dân cư bị ngập lụt đồng thời sơ tán họ khi nước vẫn đang dâng cao. Chính quyền huyện Muang Nong Khai, tỉnh Nong Khai thông báo rằng lúc 7 giờ sáng 15/9, mực nước trên sông Mekong tại địa phương đo được là 13,81m.

Nước tràn bờ khiến toàn bộ Đường Prachak Sila Pakhom ở khu vực thị trấn bị ngập. Ở một số nơi, mực nước dâng cao hơn 1 m.

Nước lũ tiếp tục chảy về hạ lưu đến các tỉnh Bueng Kan và Mukdahan. Nước dâng chủ yếu bắt nguồn từ sông Sai vốn chảy vào Mekong qua sông Ruak. Sông Sai có thượng nguồn ở Myanmar, đã dâng cao sau nhiều ngày mưa lớn ở Myanmar và tỉnh Chiang Rai (Thái Lan).

Cùng với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang chịu nhiều ảnh hưởng của bão Yagi (ở Việt Nam là cơn bão số 3). Các cơ quan chức năng cảnh báo mực nước sông Mekong có thể tiếp tục dâng cao trong những ngày tới, đe dọa đến cuộc sống và tài sản của người dân. Do đó, chính quyền địa phương nước này đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bao gồm di dời dân, xây dựng các rào chắn bảo vệ.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích