Thái Lan: Nỗ lực hồi sinh rạn san hô ngoài khơi đảo Man Nai
Thái Lan: Nỗ lực hồi sinh rạn san hô ngoài khơi đảo Man Nai
Các nhà khoa học Thái Lan đã triển khai dự án tái tạo san hô ở vùng biển ngoài khơi đảo Man Nai bằng việc nhân giống san hô trong phòng thí nghiệm.
Những rạn san hô tuyệt đẹp ở vùng biển Thái Lan đang dần bị suy thoái do hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến san hô bị tẩy trắng và bên cạnh đó là hoạt động của con người gây ô nhiễm môi trường. Các nhà khoa học Thái Lan đã triển khai dự án tái tạo san hô ở vùng biển ngoài khơi đảo Man Nai bằng việc nhân giống san hô trong phòng thí nghiệm.
Dưới bầu trời đêm đầy sao, tại ngoài khơi đảo Man Nai của Thái Lan các thợ lặn đang chứng kiến một cảnh tượng ngoạn mục: hàng tỷ đốm hồng nổi lên từ đáy đại dương. Các đốm này là tinh trùng và trứng do san hô giải phóng.
Đây là một giai đoạn trong chu kỳ sinh sản, có vai trò quan trọng trong việc khôi phục các rạn san hô bị xói mòn do biến đổi khí hậu. Hiện tượng này chỉ xảy ra mỗi năm một lần khi gặp các điều kiện thích hợp về chu kỳ mặt trăng, nhiệt độ nước, thủy triều và dòng chảy.
Các nhà khoa học Thái Lan gấp rút thu thập mẫu vật để đưa về phòng thí nghiệm. Sau 72 giờ, trứng được thụ tinh thành công sẽ được chuyển sang ngói đất nung để tiếp tục phát triển.
Công trình nghiên cứu này có thể kéo dài nhiều năm vì san hô chỉ sinh sản mỗi năm một lần và có thể mất tới 5 năm để nuôi dưỡng san hô non trong phòng thí nghiệm trước khi đưa chúng trở về biển.
Nỗ lực nhân giống san hô là một phần của dự án phục hồi do chính phủ Thái Lan khởi xướng. Dự án bắt đầu vận hành vào năm 2016 nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các rạn san hô. Việc thử nghiệm được thực hiện ở vùng biển phía nam đảo Man Nai vì nơi đây có một trong những rạn san hô ven biển đa dạng nhất đất nước, nơi sinh sống của hơn 98 loài san hô và rất nhiều sinh vật biển.
Cục Tài nguyên Biển và Ven biển Thái Lan ước tính có tới 90% rạn san hô của Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng hàng loạt vào năm 2010 do nhiệt độ nước ấm hơn. Cục cho biết, kể từ khi dự án được khởi động, hơn 4.000 quần thể san hô xung quanh đảo Man Nai đã được phục hồi.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn là một hành trình dài và gian khổ. San hô non cần phát triển từ 3-5 năm trên nền đất nung trước khi chúng đủ khỏe để quay trở lại đáy biển. May mắn là, tỷ lệ sống sót của san hô nuôi trong phòng thí nghiệm rất cao, vào khoảng 90%.
Sau gần 8 năm, dự án vẫn ở giai đoạn thử nghiệm và các nhà khoa học Thái Lan đang đo lường thành công của họ bằng cách tham khảo các thí nghiệm tương tự được thực hiện ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Australia và các quốc gia vùng vịnh Caribe.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thế giới đang đứng trước hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư, có thể khiến nhiều rạn san hô nhiệt đới chết. Hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu gần đây nhất xảy ra trong giai đoạn 2014 – 2017, ảnh hưởng tới khoảng 15% số rạn san hô trên thế giới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị