Thái Bình: Tổng sản phẩm GRDP tăng 7,37%

Thái Bình: Tổng sản phẩm GRDP tăng 7,37%

Ngày 25/1, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2024.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức song UBND tỉnh đã phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, đời sống người dân được quan tâm, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích, cực nổi bật.

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi họp báo

Một là, tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022 (tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong GRDP, năm 2023 là năm đầu tiên cơ cấu công nghiệp và xây dựng tăng, chiếm 45% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện 23.796,1 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 11.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.

Hai là công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, là năm đầu tiên tỉnh Thái Bình bứt phá và gia nhập nhóm “tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ba là, về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận được 350 kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, kịp thời rà soát, trực tiếp giải quyết 139/350 đề xuất, kiến nghị tại các cuộc làm việc; chỉ đạo các sở, ngành giải quyết xong 170/350 đề xuất, kiến nghị.

Bốn là về sản xuất công nghiệp, xây dựng và thương mại.  Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức hoạt động gặp mặt, động viên các doanh nghiệp; khởi công, khánh thành một số dự án lớn, tạo không khí sôi nổi, thi đua sản xuất kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh. Chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, khoa học, có tầm nhìn dài hạn, nhiều định hướng, đột phá, phát triển mới và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác lập, quản lý quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét, giải quyết được nhiều điểm nghẽn, nút thắt, hoàn thành một số công trình quan trọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị, mở rộng không gian, tạo điểm nhấn cảnh quan kiến trúc văn minh và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố;… Trong năm 2023, đã lựa chọn, triển khai 25 dự án phát triển nhà ở với tổng mức vốn đầu tư trên 22.600 tỷ đồng. Hoạt động thương mại – dịch vụ duy trì ổn định; thị trường hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Năm là, nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường và là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Năm 2023, toàn tỉnh có 34 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 179 sản phẩm OCOP (gồm 48 sản phẩm đạt 4 sao và 131 sản phẩm xếp hạng 3 sao); các chương trình, mô hình, cơ chế chính sách về hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.

Sáu là, công tác phát triển Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Khu Kinh tế Thái Bình được tập trung xây dựng và trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế. Lũy kế đến năm 2023, tổng số có 333 dự án đầu tư vào Khu Kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 187.631 tỷ đồng. Trong đó gồm: 250 dự án đầu tư trong nước (chiếm 75% tổng số dự án) với số vốn đầu tư đăng ký 88.081 tỷ đồng (chiếm 47% tổng vốn đăng ký); 83 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm 25% tổng số dự án) với số vốn đầu tư đăng ký 99.530 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD (chiếm 53% tổng vốn đăng ký).

Bảy là, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.

Tám là kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan nhà nước được tăng cường; cải cách hành chính có chuyển biến tích cực.

Chín là,công tác quốc phòng, quân sự được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được bảo đảm.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2024, bên cạnh những khó khăn, thách thức đã được dự báo, tỉnh tiếp tục có những yếu tố mới, tiềm năng, “dư địa” phát triển; để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5-9% trở lên gắn với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn; đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất chăn nuôi; kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm; Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh thực hiện Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh và các dự án phát triển nhà ở ven sông Trà Lý; thực hiện hiệu quả đề án phát triển ngành công thương, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; Tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích