Thái Bình: Người dân lo lắng sau sự cố rò rỉ khí amoniac tại Công ty Toan Vân

Thái Bình: Người dân lo lắng sau sự cố rò rỉ khí amoniac tại Công ty Toan Vân

Sự cố rò rỉ khí amoniac từ Công ty Toan Vân ở xã Vũ Lạc (TP Thái Bình) ra môi trường vào ngày 17/4, không chỉ khiến một diện tích lớn lúa bị ảnh hưởng, người dân địa phương đang rất bất an khi hệ luỵ về môi trường sẽ tác động xấu đến sức khỏe sau này.

Sáng ngày 23/4, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc cho biết, ngay sau khí sự cố rò rỉ lượng khí amoniac vào ngày 17/4 xảy ra, thành phố, tỉnh vào cuộc chỉ đạo khắc phục những tồn tại do sự cố gây ra. Chính quyền địa phương đã xuống hiện trường ghi nhận tình hình, thống kê thiệt hại. Đến thời điểm hiện tại, phía Công ty CP Thương mại tổng hợp Toan Vân (viết tắt là Công ty Toan Vân) đã cơ bản thực hiện đền bù, khắc phục xong cho khoảng 15 hộ dân ở thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc có diện tích lúa xuân bị ảnh hưởng bởi sự cố.

tm-img-alt
Người dân đã tập trung trước cổng Công ty Toan Vân bức xúc, sau khi sự cố rò rỉ khí amoniac xảy ra.

Trước đó, khoảng 9h sáng ngày 17/4, xe ô tô sơmi rơ-moóc xitec mang BKS: 17H- 018.93 (phần đầu kéo) và BKS: 17R-011.26 (phần rơ-moóc) của Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Hồng Phúc (sau đây viết tắt là Công ty Hồng Phúc – PV) chở theo khối lượng 25 tấn khí hóa lỏng amoniac (NH3), đậu đỗ tại khuân viên của Công ty Toan Vân để đổ dầu.

Công ty Hồng Phúc được Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai (địa chỉ tại KCN Tằng Loỏng, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) thuê vận chuyển khí amoniac từ Chi nhánh Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP – Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về Lào Cai.

Sau khi đổ dầu xong đã xảy ra sự cố van của xitec vặn không chặt và rò rỉ khí amoniac ra môi trường xung quanh. Ngay sau đó, Công ty Hồng Phúc gọi điện thoại báo đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thái Bình đến để cứu hộ.

Sau 30 phút từ khi xảy ra, sự cố đã được kiểm soát, xe ô tô đầu kéo trên không còn rò rỉ khí amoniac ra môi trường.

Được biết, Công ty Hồng Phúc có hợp đồng thuê văn phòng của Công ty Toan Vân tại thôn Tam Lạc 2 để hoạt động kinh doanh. Bà Mai Thị Tươi là Phó Tổng giám đốc Công ty Toan Vân, đồng thời cũng là Phó Giám đốc Công ty Hồng Phúc.

Trao đổi với PV, ông TVH – người dân xã Vũ Lạc cho biết, luồng khí amoniac bị rò rỉ theo chiều gió bay xa hàng km. Thời điểm xảy ra sự cố nói trên, nhiều người dân từ già đến trẻ sinh sống lân cận khu vực xảy ra sự cố đã cảm thấy mắt cay xè, khó thở, thậm chí là buồn nôn.

tm-img-alt
Hơn 8 mẫu ruộng của hơn 10 hộ dân trong xã bị cháy lá.

Ông Nguyễn Thanh Minh cho biết, theo số liệu thống kê thiệt hại, có hơn 8 mẫu ruộng của hơn 10 hộ dân trong xã bị cháy lá và một số hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Chiều 19/4, chính quyền, doanh nghiệp và người dân có lúa bị ảnh hưởng đã họp bàn, thống nhất phương án đền bù thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Theo đó, các bên thống nhất mức đền bù gần 2,9 triệu đồng/sào (thỏa thuận tính mức năng suất 2,4 tạ/sào; giá ước tính 1,2 triệu đồng/tạ). Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án đền bù về vật chất đối với thiệt hại về lúa và hoa màu. Vậy những hệ luỵ tiêu cực sau sự cố có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân hay không thì chưa được thống kê, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khắc phục, đền bù (nếu có) thì dường như còn bỏ ngỏ!

Sự nguy hiểm khi để khí amoniac tiếp xúc với người

Trả lời câu hỏi, sau khi sự cố xảy ra, địa phương có động thái gì về việc mời các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này để đánh giá sự việc, và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Bình có thực hiện quan trắc, đánh giá tác động môi trường? Ông Minh cho biết, khí amoniac hoàn toàn bay lên, cây cối chỉ có táp lá. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã vào cuộc làm việc. Khi PV đề nghị được tiếp cận biên bản làm việc, vị này đề nghị liên hệ với Thanh tra Sở để được cung cấp.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, con người sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với amoniac. Cụ thể, khi xâm nhập vào cơ thể, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào. Các mô tổn thương lại bị thoát dịch, sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể bị thay thế bởi mô hạt và để lại di chứng bệnh phổi mạn tính về sau. Đồng thời các chất tiết, mô bị hoại tử, xác tế bào bị chết… kết hợp với trạng thái sưng phù, phản ứng co cơ trơn của đường hô hấp nên có khả năng gây ra tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp gây khó thở.

Theo một chuyên gia trong ngành môi trường, để khắc phục các sự cố hóa chất NH3, đã tìm ra nhiều phương pháp xử lý nhằm khắc phục sự cố như các phương pháp cơ học, phương pháp hóa học, phương pháp sinh học… Tuy nhiên, trong quá trình xử lý sự cố hóa chất NH3 còn gặp nhiều khó khăn chưa đạt hiệu quả cao.

Do nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân khi tiếp xúc với khí amoniac như trên, đồng thời để tránh những hệ lụy về lâu dài gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần phải thận trọng trong việc đánh giá, và có biện pháp xử lý triệt để sự cố trên.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích