Thái Bình: Khơi thông dòng chảy xuất khẩu hàng hóa
(Xây dựng) – Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình ước đạt 1.964,5 triệu USD, tăng 11,51% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Thái Bình. |
Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tháng 8/2024 ước đạt 313,6 triệu USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.964,5 triệu USD, tăng 11,51% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh tế vốn đầu tư nước ngoài tháng 8 ước đạt 135 triệu USD, tăng 15,12% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực kinh tế tư nhân tháng 8 ước đạt 178,5 triệu USD, tăng 4,86% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, kinh tế vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 860 triệu USD, tăng 12,39%, còn khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 1.104 triệu USD, tăng 10,83% so với cùng kỳ.
So với tháng 7/2024, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt như: Hàng thủy sản ước đạt 1,89 triệu USD, tăng 8,7%; rau quả (ớt) ước đạt 800 nghìn USD, tăng 4,33%; gạo ước đạt 280 nghìn USD, tăng 12,53%; bánh kẹo ước đạt 335,8 nghìn USD, tăng 6,97%; sản phẩm gỗ ước đạt 1,49 triệu USD, tăng 8,13%; xơ sợi ước đạt 17,4 triệu USD, tăng 4,05%; sản phẩm từ sắt thép ước đạt 2,98 triệu USD, tăng 3,0%; dây điện và dây cáp điện ước đạt 2,45 triệu USD, tăng 6,25%…
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình tháng 8/2024 ước đạt 313,6 triệu USD. |
Ngược lại, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Mây tre đan ước đạt 790 nghìn USD, giảm 0,58%; hàng dệt may ước đạt 158,5 triệu USD, giảm 0,81%; giày dép ước đạt 38,2 triệu USD, giảm 1,08%; phương tiện vận tải và phụ tùng (vô lăng ô tô) ước đạt 10,3 triệu USD, giảm 0,69%; hàng hóa khác ước đạt 54 triệu USD, giảm 5,8%.
Về thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2024, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Thái Bình với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.050,3 triệu USD, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm ngoái; châu Âu ước đạt 212,6 triệu USD, tăng 28,12% so với cùng kỳ năm trước và châu Mỹ ước đạt 604,3 triệu USD.
Khơi thông dòng chảy xuất khẩu hàng hóa
Nối tiếp thành công của 8 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Thái Bình sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm tồn kho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Cũng theo Sở Công Thương Thái Bình, 2 năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đưa các doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand… Đây đều là những thị trường lớn, giàu tiềm năng và có những cơ chế ưu đãi về thuế quan xuất nhập khẩu vì là đối tác thành viên của các hiệp định thương mại tự do – FTA mà Việt Nam cùng tham gia nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào các thị trường này còn khiêm tốn. Việc khai thác tốt các thị trường này sẽ khơi thông dòng chảy xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ra khắp thế giới, không chỉ giải quyết đầu ra tiêu thụ mà còn nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.
Hàng hóa của tỉnh Thái Bình đã xuất khẩu đi 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh minh họa) |
Thực tế cho thấy, ngay sau chuyến xúc tiến thương mại tại Bắc Âu của lãnh đạo tỉnh, đoàn Tham tán Thụy Điển và các nước Bắc Âu đã đến Thái Bình tìm hiểu về ngành hàng chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Bắc Âu.
Số liệu tổng hợp, phân tích từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu – Sở Công Thương Thái Bình cho hay, hiện nay, hàng hóa của tỉnh Thái Bình đã xuất khẩu đi 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ được các doanh nghiệp trong tỉnh khai thác phát triển tương đối hiệu quả với việc xuất khẩu hàng hóa vào 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thời gian qua, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Sở Công Thương Thái Bình đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, dự báo tình hình thị trường giúp doanh nghiệp định hướng và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, khắc phục tình trạng tồn kho.
Đáng chú ý, Sở Công Thương đã kịp thời phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi về thuế quan, tạo sức cạnh tranh đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường và góp phần gia tăng hoạt động sản xuất.
Riêng năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp tại Thái Bình đạt khoảng 34.460 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD.
Nguồn: Báo xây dựng