Thái Bình cho ý kiến về Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm

(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung quan trọng UBND tỉnh họp sáng 18/9. Theo đó, cuộc họp của UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2025; Đề cương trưng bày và các nội dung có liên quan đến dự án Bảo tàng tỉnh; Tiến độ và một số nội dung dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tại khu trung tâm y tế tỉnh.

Thái Bình cho ý kiến về Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Hiện nay, tổng số hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở theo báo cáo rà soát của các huyện, thành phố là 6.966 hộ, trong đó số hộ thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở là 3.893 hộ và 3.073 hộ thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Nguồn vốn thực hiện từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Lộ trình thực hiện trong năm 2024, xây dựng, phê duyệt đề án và triển khai thực hiện hỗ trợ khoảng 30% số đối tượng; năm 2025 thực hiện hỗ trợ khoảng 70% số đối tượng.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương sớm hoàn thiện đề án báo cáo UBND tỉnh ban hành; làm rõ các căn cứ pháp lý liên quan để xác định cụ thể đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở trong giai đoạn này cũng như điều kiện được hỗ trợ nhà ở. Thời hạn hỗ trợ và thực hiện đến hết năm 2025.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị ngay sau khi đề án được ban hành, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh hoàn thành đề án trong năm 2025. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động, rà soát, bình xét bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Cùng với nguồn ngân sách tỉnh, huyện, các địa phương huy động các nguồn xã hội hóa cũng như nguồn đóng góp của gia đình, dòng họ… Quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, trong đó đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện đề án này.

Đối với đề cương trưng bày và các nội dung có liên quan đến dự án Bảo tàng tỉnh Thái Bình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các phương án để triển khai dự án, bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, tạo điểm nhấn không gian kiến trúc.

Các nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phải gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử, mảnh đất và con người Thái Bình trên cơ sở phương án kiến trúc được phê duyệt; đồng thời lên phương án sắp xếp không gian trưng bày một cách khoa học, hợp lý cũng như tính toán phương án vận hành, phát huy công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu thăm quan của du khách và nhân dân trong tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với thành phố Thái Bình lên phương án đấu nối hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng và các công trình liên quan.

Về tiến độ và một số nội dung dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tại khu trung tâm y tế tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế của ngành Y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đồng chí đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh và Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục sớm trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngành Y tế chủ động phương án, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, trang thiết bị đáp ứng quy mô giường bệnh khi Bệnh viện hoàn thành.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích