Thái Bình: Bộ VHTTDL cho ý kiến về Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Tiên La
(TN&MT) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 3270/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Căn cứ vào Tờ trình số 136/TTr-UBND ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh Thái Bình về việc đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Tiên La (kèm hồ sơ Dự án và Biên bản cuộc họp ngày 16 tháng 8 năm 2020).
Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định như sau: Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Tiên La, với nội dung: Tôn tạo Tiền tế (kiến trúc 5 gian 2 dĩ có mái đao và dỡ bỏ phần cuốn vòm xây gạch nối giữa Tiền tế và Trung tế), lầu Cô, lầu Cậu, gò Hậu chẩm; xây dựng mới Bình phong, Tả vu và Hữu vu. Xây dựng lại khu đón tiếp, hậu cần bao gồm: nhà đón tiếp, nhà khách, hội trường, nhà phụ trợ, 02 nhà vệ sinh. Đồng thời cải tạo sân, vườn và hạ tầng kỹ thuật.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một số lưu ý: Đối với phương án mặt bằng tổng thể tôn tạo di tích: Điều chỉnh phương án lát sân đền có mạch chính song song với bờ mái đền; không trồng cây gạo trong đền và trồng bổ sung cây xanh tại khu đất dự kiến làm đường phía bên phải công trình hội trường (hướng nhìn từ hội trường); không bố trí đèn đá trong khu vực đền, sử dụng đèn pha đặt tại các góc khuất để chiếu sáng sân vườn di tích.
Đối với hạng mục Tiền tế: Điều chỉnh phương án tôn tạo tòa Tiền tế theo hướng, khoảng cách giữa hàng cột trục B và hàng cột trục C là 3,4m; tính toán tăng độ dốc mái phù hợp; không sử đèn lồng, đèn led bóng dài chiếu sáng nội thất; chân tảng thiết kế mới theo mẫu chân tảng hiện có tại tòa Trung tế, Hậu cung; bổ sung phương án bảo vệ, sử dụng công trình Tiền tế hiện có sau hạ giải.
Đối với phương án tôn tạo lầu Cô, lầu Cậu: Giảm khoảng cách giữa hàng cột trục A và hàng cột trục B xuống 4,1m; tăng chiều cao công trình tính từ mặt nền đến dạ tàu mái dưới; mặt trước công trình thiết kế cửa thượng song hạ bản.
Đối với phương án tôn tạo Bình phong: Mặt trước Bình phong (hướng nhìn ra phía Nghi môn) đắp trang trí đề tài “hổ tọa sơn”, mặt sau Bình phong đắp “ngũ phúc”; tăng kích thước chiều rộng lồng đèn để cân xứng với trụ lồng đèn; quy định cụ thể chất lượng đá làm bình phong để bảo đảm tính thẩm mỹ. Điều chỉnh giảm diện tích nhà hội trường xuống dưới 200m2 .
Ngoài ra, hồ sơ UBND tỉnh Thái Bình cần bổ sung gồm: bản vẽ mặt cắt ngang hiện trạng công trình và bản vẽ thiết kế cửa đi tòa Tiền tế; hiện trạng và phương án bài trí nội thất Tiền tế, lầu Cô, lầu Cậu; phương án bố trí cây xanh; hiện trạng và phương án tôn tạo gò Hậu chẩm. Do hạng mục đền Trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, vì vậy đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét, quyết định đối với việc đầu tư xây dựng công trình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện dự án, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tại địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được công nhận di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 235/VH/QĐ ngày 12/11/1986. Ngôi đền thờ Bát Nạn Tướng Quân Vũ Thị Thục, một nữ danh tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng, nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt.