Thách thức và giải pháp phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Thách thức và giải pháp phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

MTĐT –  Thứ năm, 15/12/2022 08:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, gia tăng về cường độ, tần suất, loại hình và xảy ra ở hầu khắp cả nước, trong đó có các đô thị tỉnh Lâm Đồng đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời tác động xấu đến môi trường.

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của đất nước. Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết mang tính cực đoan, gia tăng về cường độ, tần suất, loại hình và xảy ra ở hầu khắp khu vực trên cả nước, trong đó có các đô thị tỉnh Lâm Đồng đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời tác động xấu đến môi trường.

Thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những tác động khó lường đến hệ thống đô thị làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường đô thị.

tm-img-alt
Vòng xoay Vườn hoa Thành phố Đà Lạt. Ảnh ĐXT

Trong điều kiện đô thị hóa ngày càng tăng kết hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng được xây dựng theo phương pháp truyền thống đã khiến các đô thị dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Việc nhận diện các tác động của biến đổi khí hậu đối với đô thị, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu có vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của đô thị.

1. Thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Trong thời gian qua, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt một số kết quả, cụ thể:

– Về phát triển giao thông đô thị: Tỉnh Lâm Đồng ưu tiên triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị tại các địa phương, quan tâm đầu tư hệ thống đường vành đai, đường tránh đô thị để đảm bảo việc mở rộng không gian đô thị, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.141 km, trong đó có 79 tuyến giao thông trục chính với tổng chiều dài 250,04 km. Các tuyến đường cơ bản được đầu tư đồng bộ (từ nền đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mặt và hệ thống chiếu sáng công cộng); đồng thời đảm bảo chức năng kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại

– Về cấp nước đô thị: Tập trung vừa nâng cấp các nhà máy cấp nước, vừa đầu tư mở rộng hệ thống đường ống mạng lưới cấp nước đến các khu dân cư; tất cả các đô thị tại tỉnh Lâm Đồng đều được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy cấp nước sinh hoạt, hiện đáp ứng gần 80% nhu cầu sử dụng nước của người dân các đô thị.

– Thoát nước và xử lý nước thải: hệ thống thoát nước mặt tại các đô thị được quan tâm đầu tư cùng với hệ thống đường giao thông. Đối với xử lý nước thải tại đô thị đến hết năm 2022 ước khoảng 45% dân cư đô thị Đà Lạt được hưởng dịch vụ thoát nước, tăng 25% so với năm 2010.

2. Thách thức của biến đổi khí hậu đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

a) Thách thức của biến đổi khí hậu đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800-1.000m so với mặt nước biển với diện tích tự nhiên 9.772,19km2. Địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ những, thực vật, động vật, …

Chính vì địa hình như vậy nên bão, áp thấp nhiệt đới hầu như ít đổ bộ trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên những ảnh hưởng gián tiếp và cùng với gió mùa Tây Nam gây ra một số loại hình thiên tai chủ yếu như: mưa lớn, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, hạn hán, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm….

tm-img-alt
Vườn hoa Thành phố Đà Lạt. Ảnh ĐXT

Mặc dù công tác phát triển hạ tầng đô thị trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định như đã nêu trên. Nhưng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã bộc lộ một số hạn chế như:

– Vào mùa mưa, yếu tố lượng mưa, cường độ mưa dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ tại đô thị, kéo theo đó là hiện tượng sạt lở đất làm xuống cấp kết cấu hạ tầng đô thị.

– Mưa lớn cục bộ, kèm theo lốc xoáy hoặc mưa đá gây hư hỏng các công trình bảo vệ kết cấu hạ tầng, ngã đổ cây xanh đô thị.

– Hạn hán và sự gia tăng nhiệt độ vào mùa hè làm suy giảm nguồn cấp nước đô thị.

– Sự chệnh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ công trình

– Bên cạnh đó dưới sự tác động của hiện tượng ấm lên của trái đất do biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình tại địa phương có tăng lên nhưng so với các địa phương khác, Lâm Đồng vẫn được xem là khá mát mẻ, vì vậy đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến nghỉ dưỡng khiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị quá tải đồng thời gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường,

b) Nguyên nhân

Các hạn chế nêu xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

– Về quy hoạch: Trong quá trình lập quy hoạch, việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; … dẫn đến quá trình phát triển đô thị, tăng trưởng đô thị thiếu bền vững.

Quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép, đánh giá, phân tích tác động của BĐKH. Tồn tại quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng chủ yếu mới chú trọng về kỹ thuật, tổ chức không gian, chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế đô thị để hỗ trợ giải pháp ứng phó BĐKH.

– Về đầu tư: do hạn chế về cơ chế, chính sách, nguồn vốn nên tỷ lệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng vùng được đầu tư xây dựng so với quy hoạch còn thấp, bên cạnh đó công tác đầu tư chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao.

– Công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình còn hạn chế, dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa phát huy đầy đủ công năng.

– Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế công trình hiện nay… chưa cân nhắc yếu tố kịch bản BĐKH mà chỉ dựa trên các số liệu lịch sử về khí tượng, thủy văn.

3. Giải pháp phát triển hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật thích ứng với BĐKH nhằm đưa ra các giải pháp về khả năng chống chịu, thích ứng, giảm nhẹ các tác động của BĐKH đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là hướng đi đúng đắn.

Đã đến lúc phát triển hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu đầy đủ nhu cầu của khu vực, phù hợp với các dự báo phát triển đô thị, nông thôn đồng thời đảm bảo tính linh hoạt và tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể thiết lập trạng thái sống chung với biến đổi của thiên tai. Trên cơ sở đó, trong phạm vi hội thảo, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

a) Nhóm giải pháp về quy hoạch, thiết kế

– Cần rà soát tổng thể lại các bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch, nhất là quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt chú ý đến yếu tố kết nối hạ tầng, hành lang an toàn của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tính bắt buộc trong đầu tư đồng bộ. song song với đó cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam trong thiết kế công trình hạ tầng đô thị theo hướng nâng cao chất lượng kế cấu hạ tầng, đủ khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
Vườn hoa Thành phố Đà Lạt. Ảnh ĐXT

– Quan tâm, chú trọng đến chất lượng công tác lập quy hoạch, trong đó Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, có tính đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa những lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

– Lồng ghép yếu tố BĐKH vào cácquy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển đô thị.

Trong quy hoạch phát triển đô thị cần chú ý đến việc lồng ghép các vấn đề như:

+ Đối với quy hoạch sử dụng đất đô thị: Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những khu vực thường xuyên bị tác động của lũ lụt và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất;

+ Đối với quy hoạch cơ sở hạ tầng: Rà soát khu vực thường xuyên bị ngập úng tại thời điểm hiện tại và những khu vực dự báo bị ngập theo kịch bản đã xây dựng để có các biện pháp điều chỉnh quy hoạch về hạ tầng đồng bộ.

– Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tạo đuợc các vùng đất an toàn để xây dựng đô thị, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, giải pháp “cứng” kết hợp với giải pháp “mềm” trong ứng phó với BĐKH; ưu tiên các giải pháp giảm thiệt hại thay vì các giải pháp chống lại thiên tai.

b) Nhóm giải pháp về phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng vói biến đổi khí hậu

– Phát triển đô thị theo quy hoạch, chương trình và kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu về phát triển đô thị theo quy hoạch trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, các đô thị mới và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị – nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

– Xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, các hệ thống dữ liệu,

– Xây dựng các hồ điều hòa trong đô thị đáp ứng thoát nước trong mùa mưa và dữ trữ cung cấp nước vào mùa khô.

c) Về quản lý, khai thác vận hành

– Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn mới, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin.

– Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật: Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét sông, kênh rạch; hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống thoát nước thải, kênh tiêu thoát nước.

– Khai thác hiệu quả các nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

– Ứng dụng BIM trong quản lý, khai thác, vận hành các công trình trong đô thị.

d) Về cơ chế chính sách

Để có một hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phải cần có một chủ trương mang tính đột phá trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó vấn đề về vốn cho đầu tư hạ tầng đô thị là yếu tố quyết định. Do đó cần nghiên cứu tập trung vào cơ chế xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng đô thị, vì việc đầu tư này cấn nhiều rất nhiều nguồn lực mà nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được. có thể nghiên cứu các vấn đề về:

– Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng theo từng vùng miền.

– Cơ chế huy động tối đa các nguồn vốn theo hướng ưu tiên.

– Cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong đầu tư, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng đô thị.

ThS. KS. Lê Quang Trung
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích