Thách thức của nghề đào tạo phi công dưới góc nhìn của một trường bay

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, năm 2019, sự ra đời của Trường Hàng không New Zealand hoạt động huấn luyện phi công cơ bản tại Sân bay Chu Lai tỉnh Quảng Nam, đã góp thêm một cánh bay trong hoạt động Hàng không chung tại Việt Nam.

Ngoài các học viên muốn theo đuổi nghề phi công với các hãng Hàng không, Trường còn đón nhận nhóm học viên tham gia với mục đích có được Giấy phép lái tàu bay tư nhân, để có thể sở hữu máy bay nhỏ thực hiện bay Hàng không chung.

Thách thức của nghề đào tạo phi công dưới góc nhìn của một trường bay
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Công ty TNHH Trường Hàng không New Zealand.

Ông Hải khẳng định, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển loại hình này nhưng các tổ chức hoạt động Hàng không chung hiện vẫn còn ít ỏi và gặp nhiều hạn chế trong việc đào tạo phi công. “Tuy đã có Nghị định quy định về vùng trời, về tổ chức vùng trời cho hoạt động Hàng không chung, nhưng quá trình tự xây dựng không vực bay, đường bay Hàng không chung cho các Trường đào tạo phi công là một quá trình tương đối lâu dài. Đây sẽ là một trở ngại đối với các doanh nghiệp khi bước chân vào lĩnh vực hoạt động này”.

Bên cạnh đó, hoạt động Hàng không chung chủ yếu là các chuyến bay được thực hiện theo quy tắc bay bằng mắt (VFR), nhưng công tác điều hành bay tại Việt Nam hầu hết dành cho các chuyến bay thương mại theo quy tắc bay bằng thiết bị (IFR), việc thực hành các quy định về vùng trời không lưu còn nhiều bất hợp lý.

Cùng với việc các chuyến bay VFR được điều hành theo hướng áp các tiêu chuẩn an toàn, phân cách lớn hơn, bay chờ với thời gian dài khi tiếp cận hạ cánh… Ngoài ra, điều kiện bay cho loại máy bay loại nhỏ, sử dụng trong hoạt động Hàng không chung vẫn còn thiếu thốn…

Thách thức của nghề đào tạo phi công dưới góc nhìn của một trường bay
Ông Nguyễn Hoàng Hải tiết lộ khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp đào tạo phi công là do: “Loại tàu bay nhỏ nhất hiện vẫn chưa có quy định về giá và phí dịch vụ chuyên ngành hàng không”.

“Đối với Trường Hàng không New Zealand, chúng tôi luôn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, khi hệ thống pháp lý các quy định dành cho hoạt động Hàng không tại Việt Nam hầu hết đều hướng tới việc điều chỉnh các hoạt động Hàng không thương mại vận chuyển hành khách. Cùng với đó là chính sách quản lý bay, chính sách quản lý vùng trời cũng chưa được cụ thể hóa cho các hoạt động Hàng không chung”, Giám đốc Công ty TNHH Trường Hàng không New Zealand cho biết.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin thêm, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc Tế đánh giá Hàng không nội địa Việt Nam có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng này khi các Hãng Hàng không Việt Nam đang tiếp tục tăng tần suất các chuyến bay quốc tế.

“Sự tăng trưởng này sẽ kéo theo nhu cầu về nhân sự, trong đó có phi công. Đây cũng là cơ sở để hoạt động huấn luyện đào tạo có nhiều thuận lợi, để tiến tới mục tiêu đáp ứng được số lượng học viên lớn, đảm bảo công tác huấn luyện đúng tiến độ. Từ đó, nội địa hóa nhiều các nội dung huấn luyện, cụ thể là huấn luyện năng định bay sử dụng thiết bị ngay tại Việt Nam”, ông Hải nói.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 23,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ, tăng hơn 74,2% so với cùng kỳ năm 2021; bằng 60% cùng kỳ năm 2019 với hơn 60 đường bay nội địa nối các thành phố lớn trên toàn quốc được khai thác triệt để. Lượng hành khách thông qua các cảng Hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6% và khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Tổng lượng ghế cung ứng nội địa và quốc tế của Việt Nam đạt hơn 6,5 triệu ghế, đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Quang Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích