Thạch Thành (Thanh Hóa): “Trên quyết liệt, dưới thờ ơ” trong xử lý các xưởng thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm

(Xây dựng) – Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có diện tích trồng keo lớn tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, đến nay tại nhiều huyện, trong đó có Thạch Thành, hoạt động của các cơ sở tự phát này vẫn diễn ra ngang nhiên.

Thạch Thành (Thanh Hóa): “Trên quyết liệt, dưới thờ ơ” trong xử lý các xưởng thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm
Xưởng thu mua, chế biến gỗ keo của hộ ông Đàm Minh Tuyến, xã Thạch Quảng vẫn hoạt động bình thường sau khi bị xử phạt.

Theo Công văn số 189/UBND-NN ngày 16/01/2024 của UBND huyện Thạch Thành, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, báo cáo về kết quả xử lý vi phạm các điểm thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát tại địa bàn: Toàn huyện có 13 cơ sở chế biến gỗ keo, trong đó có 7 cơ sở vi phạm về quy định sử dụng đất, 2 cơ sở vi phạm về đăng ký kinh doanh.

Qua kiểm tra, huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai với số tiền tương ứng lỗi vi phạm. Ngoài ra, 2 cơ sở vi phạm về đăng ký kinh doanh cũng đã được UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15 triệu đồng. Cùng với phạt tiền, các hộ vi phạm về mục đích sử dụng đất còn bị buộc phải phá dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu của đất.

Cũng tại công văn này, UBND huyện Thạch Thành báo cáo đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn đôn đốc các cơ sở, cá nhân vi phạm chấp hành nghiêm việc nộp phạt và tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn để phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, trước đó, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này đã nhấn mạnh: “Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không có biện pháp khắc phục, cố tình hoạt động thì thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, hoặc lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể nói để giải quyết tình trạng thu mua, chế biến gỗ keo tự phát, UBND tỉnh đã có sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm thực trạng này. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát và yêu cầu các địa phương chấp hành nghiêm chỉ đạo của tỉnh.

Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương lại cho thấy tồn tại tình trạng “trên chỉ đạo quyết liệt, dưới xử lý nửa vời”. Bởi cho đến nay, gần như toàn bộ các cơ sở đã bị kiểm tra, xử phạt đều đang hoạt động công khai bất chấp chỉ đạo?

Thạch Thành (Thanh Hóa): “Trên quyết liệt, dưới thờ ơ” trong xử lý các xưởng thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm
Điểm thu mua, chế biến gỗ keo (có băm dăm) vi phạm về đăng ký kinh doanh, nằm giữa khu dân cư, chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ bà Hoàng Thị Thủy (xã Thành Vinh).

Tìm hiểu thực tế tại cơ sở, PV Báo điện tử Xây dựng đã tới cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của hộ ông Bùi Văn Sứ tại thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn. Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, ngày 01/01/2024, cơ sở này đã bị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về 2 hành vi “chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn” và “hủy hoại đất (làm suy giảm chất lượng đất)”, tổng số tiền 15 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ các công trình đã xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trước đó, ngày 31/10/2023, UBND xã Thạch Sơn cũng đã ra quyết định xử phạt cơ sở này 3,5 triệu đồng do hành vi vi phạm hành chính về đất đai. Có mặt tại đây sau thời điểm quyết định xử phạt của UBND huyện, kèm biện pháp khắc phục hậu quả đã gần 3 tháng, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo có quy mô lớn này vẫn diễn ra bình thường.

Tương tự, tại điểm kinh doanh gỗ keo của hộ ông Đàm Minh Tuyến, nông trường Thạch Quảng, xã Thạch Quảng. Ngày 21/12/2023, cơ sở này từng bị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt về hành vi “chiếm đất nông nghiệp” số tiền 7,5 triệu đồng, buộc phá dỡ các công trình xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất và trả lại đất đã chiếm cho UBND xã Thạch Quảng. Mặc dù, quyết định của UBND huyện đã nêu rõ như vậy, nhưng tại đây mọi hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo vẫn diễn ra ngang nhiên.

Trao đổi với PV, chủ cơ sở cho biết, gia đình ông đã làm nghề này từ lâu, khu đất gia đình đang sử dụng trước kia thuộc nông trường Thạch Quảng quản lý giao cho các hộ sử dụng, có thu tiền sử dụng đất hàng năm. Nhưng từ năm 2019, diện tích đất này được trả lại cho địa phương quản lý, gia đình vẫn tiếp tục sử dụng nhưng không có ai đứng ra thu tiền đất hàng năm, như trước khi bàn giao về địa phương.

Thạch Thành (Thanh Hóa): “Trên quyết liệt, dưới thờ ơ” trong xử lý các xưởng thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm
Cơ sở của hộ ông Bùi Văn Sứ, xã Thạch Sơn vẫn đang hoạt động sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài 2 cơ sở trên, PV cũng đã đến cơ sở của hộ bà Hoàng Thị Thủy, thôn Lộc Phượng 2, xã Thành Vinh, một trong 2 cơ sở vi phạm về đăng ký kinh doanh đã bị UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính. Tại đây, việc thu mua, chế biến gỗ keo vẫn đang diễn ra nhộn nhịp. Theo quan sát của PV, hoạt động sản xuất, chế biến tại đây có bao gồm cả công đoạn băm dăm gỗ keo, trong khi xưởng sản xuất nằm giữa khu dân cư lại chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực này, nhưng vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, không hiểu sao trong quá trình kiểm tra, UBND huyện không làm rõ, mà chỉ nêu được hành vi vi phạm của cơ sở này là “có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh”?

Qua thực tế PV ghi nhận, có thể nói UBND huyện Thạch Thành đã thiếu sát sao, kiên quyết trong chỉ đạo các xã, thị trấn về công tác xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trong thu mua, chế biến gỗ keo đang diễn ra phổ biến tại địa bàn. Huyện mới chỉ thực hiện được “một nửa” tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, đó là tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm.

Đối với yêu cầu buộc tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, hầu như vẫn bị “thả nổi”. Đáng chú ý, cùng với sự vào cuộc chưa quyết liệt của UBND huyện, chính quyền các xã, thị trấn cũng có biểu hiện “buông lỏng” vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, chỉ tổ chức kiểm tra, xử lý một cách “chiếu lệ” những hành vi vi phạm khi công luận lên tiếng, hoặc có sự “đốc thúc” của cấp trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích